Tìm giải pháp
Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn ĐBSCL với chủ đề “Vì ĐBSCL thịnh vượng và thích ứng với khí hậu” nhằm thúc đẩy ĐBSCL phát triển hiệu quả và bền vững.
Không phải bây giờ vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu mới được đặt ra, mà vài năm trở lại đây, điều này đã được Việt Nam quan tâm và tìm cách để thích ứng; các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam cũng dành một nguốn tài chính để triển khai các dự án hỗ trợ người dân. Cụ thể, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, trong đó có cả những kịch bản xấu nhất. Bộ NN&PTNT cũng nêu ý tưởng xây dựng đê bao quanh biển, xây dựng các hồ nước ngọt để trữ nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của khu vực này.
Nước biển dâng là vấn đề nan giải của Việt Nam, vì ngoài sự thay đổi khí hậu thời tiết, còn là yếu tố nhân tai, ở đây là các đập thủy điện trên sông Mê Kông. Bên cạnh đó, ĐBSCL vừa trải qua một đợt hạn hán lớn, khiến hàng nghìn diện tích trồng lúa, hoa màu bị mất trắng, thủy sản bị thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Các vấn đề về môi trường ở ĐBSCL
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hiện Việt Nam đã phối hợp với Hà Lan xây dựng Kế hoạch ĐBSCL hướng tiếp cận tổng thể, tăng cường liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai và dành nguồn lực lớn, bao gồm cả vốn ODA, triển khai thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách như chuyển đổi nông nghiệp bền vững, chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh ĐBSCL cùng phối hợp tập trung chỉ đạo xây dựng liên kết vùng, xây dựng chiến lược phát triển để phát huy thế mạnh từng địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ.
Theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, để ĐBSCL nâng cao khả năng chống chịu khí hậu, phát triển bền vững cần tạo sự đồng thuận, có một tiếng nói chung cao nhất giữa các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, ý kiến này chỉ mới ở mức vĩ mô, định hướng còn làm sao để đạt được mục tiêu “Thịnh vượng và thích ứng biến đổi khí hậu” lại cần một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các địa phương với nhau, giữa Việt Nam với các nước có chung dòng Mê Kông.
Cùng chung tay
Điều khó khăn nhất của ĐBSCL là lâu nay phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên tính sẵn có của tài nguyên thiên nhiên. Điều này được ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT chỉ ra tại Diễn đàn. Theo đó, người dân ĐBSCL có tư duy phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu dựa vào khai thác những lợi thế và ưu đãi do tự nhiên mang lại, phát triển nông nghiệp, thủy sản theo chiều rộng mà chưa chú trọng chiều sâu, thiếu bền vững. Vì thế, nhìn tổng thể sẽ thấy cách làm này chưa chủ động ứng phó với những thách thức mới như biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Do đó, để ĐBSCL thịnh vượng thì phải cần có một giải pháp mang tính tổng thể, liên ngành, liên vùng và liên lĩnh vực trên cơ sở đổi mới cơ bản cách tiếp cận về phát triển cho toàn khu vực.
Bộ TN&MT cũng đưa ra các đề xuất như: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch phát triển ngành, địa phương, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, cần được điều chỉnh theo hướng thông minh, tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn và mặn. Khai thác nước mặn như một nguồn tài nguyên (kinh nghiệm thành công của nhiều nước trên thế giới). Để làm được điều này, ĐBSCL phải quy hoạch phân vùng hợp lý dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội của khu vực. Mặt khác, điều quan trọng và mấu chốt của ĐBSCL vẫn là vấn đề nguồn nước, khu vực sẽ dư thừa nước vào mùa mưa nhưng lại khan hiếm trong mùa khô. Do đó, cần phải xây dựng vùng để tạo các khu vực chứa lũ, chống lũ ở khu vực thượng lưu đồng bằng, kết hợp với lúa 2 vụ và phát triển thủy sản. Ngoài ra, phải dự án trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cho toàn vùng tại khu vực trung tâm của đồng bằng.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng mỗi tỉnh phát triển theo hướng, Bộ TN&MT cho rằng cần thiết lập một cơ quan liên tỉnh, liên ngành do một Phó Thủ tướng hoặc một Bộ trưởng đứng đầu, chỉ đạo thống nhất việc thực hiện cơ chế điều phối nhằm tránh những xung đột về lợi ích giữa các địa phương, các tiểu vùng trong khu vực, cũng như hài hòa giữa các ưu tiên trước mắt và mục tiêu lâu dài.
Ngoài ra, việc trao đổi thông tin dữ liệu quốc tế và quốc gia liên quan đến ĐBSCL cần được tăng cường nhằm cung cấp thông tin dữ liệu một cách đồng bộ, hệ thống về quy hoạch, các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ công tác hoạch định chính sách, các quyết định đầu tư và thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án.
Có nước và giữ được nước mới thịnh vượng, đó là mấu chốt của ĐBSCL trong bối cảnh thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng thời gian tới.
>> Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chất lượng và số lượng thủy hải sản tại ĐBSCL không ổn định, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, tư duy thị trường còn manh mún, nên sản phẩm chưa đủ đa dạng để đáp ứng nhu cầu cao cấp của thị trường để qua đó, xác lập uy tín, thương hiệu quốc tế của sản phẩm. |
Tiểu Kiều
Cần bán gấp 30 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500 tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ 0946705238,0948.2222.17 cam kết chất lượng.