Tuy nhiên, chúng ta không thể thờ ơ và coi nhẹ những dấu hiệu và thông điệp cảnh báo nóng về sự phát triển không bền vững, thể hiện ở xu hướng suy giảm, thấp hơn cùng kỳ năm trước của hàng loạt chỉ tiêu vĩ mô quan trọng, như mức tăng GDP chung, mức tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; ở tổng mức hàng hóa bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và ở một loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực (gạo, sắt thép, cao su, dầu thô); cũng như ở mức thu NSNN..
Trong khi đó, có sự gia tăng áp lực hết sức đáng ngại của tình trạng bội chi NSNN, nợ công, thất nghiệp, tỷ lệ đói nghèo và nhu cầu an sinh xã hội. Đặc biệt, Việt Nam đang đối diện với sự tình trạng gia tăng nguy cơ rừng cạn dần, biển chết dần và các dòng sông ngày càng khô kiệt, nhiễm mặn, ô nhiễm ruộng đất và môi trường sống, nỗi sợ hãi thực phẩm bẩn.
Đóng gói sản phẩm tại nhà máy Royal Foods, Khu công nghiệp Nam Cấm - Ảnh: Lâm Tùng |
Động lực tăng trưởng kinh tế suy giảm do cả yếu tố khách quan và chủ quan, như thời tiết cực đoan (rét buốt, hạn khô và nhiễm mặn đất canh tác); do cạnh tranh giảm giá trên thị trường thế giới, gia tăng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường biển và đặc biệt cả do nhận thức, thói quen buông lỏng, thậm chí coi thường kỷ cương pháp luật.
Chúng ta đang trở nên quen thuộc đến mức vô cảm với các hành xử quản lý nhà nước theo “quy trình ngược”, kiểu cấp dưới áp đặt luật chơi cho cấp trên khi buộc vào tình huống “ sự đã rồi”: Đó là tình trạng Quốc hội thường xuyên chấp nhận phải thông qua mức bội chi thực tế theo báo cáo của Chính phủ luôn cao hơn mức bội chi dự toán hàng năm được Quốc hội thông qua;
Đó là tình trạng cấp chính quyền địa phương vượt quyền xử lý, cấp phép cho doanh nghiệp FDI rồi “chạy quy trình” để hợp pháp hóa các quyết định của mình, bất chấp hậu quả lâu dài và to lớn cho xã hội, làm giảm sút năng lực, hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền XHCN mà Việt Nam đang nỗ lực hướng tới.
Ngư dân xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu đánh bắt hải sản (Ảnh minh họa) |
Động lực tăng trưởng nửa cuối năm 2016 khó trông cậy vào mở rộng đầu tư công, tăng vay nợ công đã tới giới hạn, thậm chí có nguy cơ vượt trần vào cuối năm 2016 (riêng nợ chính phủ đã vượt trần từ cuối năm 2015), mà cần từ tăng tốc giải ngân các dự án đầu tư công trong kế hoạch đã duyệt; từ kết quả hoạt động của số doanh nghiệp thành lập mới, mở rộng sản xuất và quay lại hoạt động; từ tăng vốn đầu tư ngoài NSNN và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bãi bỏ hàng trăm quy định, điều khoản trong các luật đang cản trở tự do kinh doanh; nhất là các văn bản thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, với tinh thần cầu thị và chủ động tháo gỡ khó khăn, giảm đến mức thấp nhất các gánh nặng tài chính, tín dụng và thể chế cho doanh nghiệp, kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách.
Đồng thời, tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt; ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản; tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích nghi và khắc phục những bất cập từ biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh xuất khẩu lao động và hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu, thuyền lớn vươn khơi; khôi phục ngư trường và hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, tiêu thụ hải sản ở các địa phương bị ô nhiễm môi trường biển; gia tăng hoạt động xúc tiến thương mại chuyên nghiệp và hiệu quả, áp dụng công nghệ bảo quản mới và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta...
Tăng cường tổng rà soát để ngăn chặn sớm nguy cơ từ các dự án có phát thải môi trường trên cả nước; phân công và truy cứu, làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị trong giám sát, bảo vệ môi trường, nghiêm trị những sai phạm của bất kỳ ai, dù ở cấp bậc nào, đương nhiệm hay đã chuyển, nghỉ công tác.
Kinh tế Việt Nam luôn phát triển dưới mức tiềm năng. Tuy nhiên, môi trường và tài nguyên đất nước ta đang bị khai thác tới giới hạn đỏ. Hệ thống luật định của Việt Nam ngày càng dầy dặn hơn, nhưng nhận thức và thói quen tuân thủ, hiệu lực thực tế của các luật định dường như ngày càng mờ nhạt hơn, méo mó hoặc bị vô hiệu hóa do sự tắc trách, vô cảm, vô trách nhiệm và sự chi phối ngày càng mạnh mẽ, ngạo mạn của các lợi nhóm lợi ích.
Những động lực tăng trưởng mới bền vững từ những đột phá thể chế, xiết chặt kỷ cương, tôn trọng luật pháp thực sự là việc cần phải làm, để tiếp sức, tăng tốc và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sống theo yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới.
TS.Nguyễn Minh Phong
Cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500đ tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ (08) 6260 0412 - 0946.705.238 cam kết chất lượng. Ngoài ra còn có Bột xương thịt, bã điều, bột đầu tôm, bột gan mực.