Nông dân xã Thạnh Phú dèo tôm sú giống tập trung.
Vụ lúa - tôm năm 2017, do phụ thuộc thời tiết nên bà con 2 xã Thạnh Phú, Phú Hưng xuống giống trễ, dẫn đến thời gian thu hoạch vụ lúa kéo dài đến đầu tháng 1/2018 mới dứt điểm.
Điều đáng phấn khởi là năng suất lúa đạt khá cao, trung bình 3,5 tấn/ha; cá biệt có một số hộ thực hiện khâu rửa mặn, kết hợp chăm sóc tốt, năng suất lúa đạt hơn 5 tấn/ha. Đây được xem là vụ lúa trên đất nuôi tôm thành công nhất từ trước đến nay, nên bà con nông dân hết sức phấn khởi và khẩn trương cải tạo vuông để thả tôm vụ mới.
Theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân vùng sản xuất lúa - tôm ở 2 xã Thạnh Phú và Phú Hưng, khi thu hoạch xong vụ lúa, thả tôm nuôi sẽ rất thành công. Bởi sau thời gian dài ngưng thả tôm để trồng lúa, mầm bệnh của tôm bị tiêu diệt; đồng thời thông qua bộ rễ của cây lúa phân huỷ làm môi trường nguồn nước trong vuông ổn định hơn và tái tạo được nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm phát triển. Để phát huy lợi ích của yếu tố môi trường từ vụ lúa mang lại, bà con nông dân 2 xã đổi mới hình thức thả tôm nuôi.
Ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, cho biết, trước đây, sau khi thu hoạch lúa, bà con tiến hành thả tôm sú giống mà không qua khâu cải tạo. Do nguồn cá tạp trong vuông nhiều, thường xuyên tấn công gây hại tôm giống, dẫn đến tỷ lệ tôm đạt đầu con không cao, năng suất, sản lượng giảm. Để khắc phục vấn đề này, sau khi thu hoạch xong vụ lúa năm 2017, bà con tiến hành cải tạo vuông tôm thật kỹ lưỡng như: phơi đất để diệt rong, diệt cá tạp, bón vôi và thay nước nhiều lần giúp môi trường nước trong vuông ổn định. Tôm giống được ương trong hầm đất giúp tôm khoẻ mạnh, thích nghi với môi trường nước, tạo điều kiện thuận lợi cho tôm nuôi phát triển nhanh và đạt đầu con cao sau khi thả ra vuông nuôi. Đây được gọi là nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn.
Không riêng xã Thạnh Phú, cách làm mới này cũng được nông dân xã Phú Hưng triển khai thực hiện theo hình thức tập trung. Nghĩa là từ 5-10 hộ có diện tích đất sản xuất liền kề, chỉ làm duy nhất 1 hầm dèo với diện tích đủ lớn, đảm bảo dèo toàn bộ lượng tôm giống cho các hộ dân xung quanh và phân công một số hộ có kinh nghiệm đảm nhận việc theo dõi, chăm sóc. Sau 7-10 ngày dèo, tôm giống được vớt lên cấp phát cho các hộ dân mang về thả nuôi. Cách làm này tiết kiệm được chi phí và công chăm sóc so với hình thức dèo tôm giống riêng lẻ từng hộ gia đình.
Ông Phan Văn Mùi, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, người từng áp dụng phương pháp này nhiều năm trước, cho biết: "Nhờ áp dụng hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn mà gia đình tôi có hơn 1 ha đất nuôi tôm, thả nuôi 20.000 con tôm sú giống, chỉ hơn 3 tháng nuôi đã cho thu hoạch. Trọng lượng trung bình từ 30-35 con/kg, thu hoạch được hơn 30 triệu đồng/vụ. Sau đó thả nuôi vụ tiếp theo cho đến mùa mưa mới ngưng để cải tạo đất trồng lúa. Cứ thế xoay vòng, năng suất lúa khá ổn định và tôm nuôi cho hiệu quả kinh tế rất cao".
Kỹ sư Phạm Việt Khái, cán bộ khuyến nông huyện Cái Nước, cho biết, thả tôm nuôi quảng canh cải tiến theo hình thức 2 giai đoạn đối với mô hình luân canh lúa - tôm không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian và công chăm sóc trong quá trình dèo tôm giống, mà còn giúp tôm đạt đầu con rất cao. Đồng thời, qua đó còn thể hiện tinh thần đoàn kết giúp nhau trong sản xuất, từ đó tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt.
Để nhân rộng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến theo hình thức 2 giai đoạn, Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước đang triển khai xây dựng 10 điểm dèo tôm sú giống tập trung cho các hộ dân tham gia thực hiện Dự án ứng dụng phát triển mô hình sản xuất lúa - tôm tại 3 xã: Thạnh Phú, Phú Hưng và Tân Hưng. Đồng thời, nhân rộng cách làm mới này ra các địa phương trên địa bàn huyện nhằm giúp bà con sản xuất thành công vụ tôm.
Tiến Việt