Số diện tích này hầu hết là lúa trên đất lúa tôm tại địa bàn không phải là chuyên sản xuất lúa của hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Theo Sở NNPTNT Bạc Liêu cho đến nay số diện tích thiệt hại lên đến trên 8.000 ha, chủ yếu ở huyện Hồng Dân, Phước Long và một phần của huyện Giá Rai.
Theo ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu, nguyên nhân do năm nay kết thức mùa mưa sớm hơn trung bình hàng năm nên hầu hết độ mặn trên những kinh rạch còn cao, chưa có điều kiện rửa phèn mặn sau khi đã kết thúc mùa tôm chuẩn bị cho vụ lúa trên đất lúa tôm.
Tại Cà Mau thiệt hại lúa trên đất tôm lên đến con số trên 2.000 ha nằm rải rác ở hầu hết các địa phương có diện tích sản xuất lúa trên đất tôm. Tại xã Trí Phải nhiều diện tích lúa trên đất tôm đã thiệt hại gần như không thể cứu chữa được do độ mặn quá cao cây lúa không thể phát triển được.
Bà Phạm Thị Siếu, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình sản xuất gần 2 ha lúa trên đất tôm. Lúa chết hết, tôm cũng khó nuôi. Bà than vãn “Bây giờ lúa chết hết rồi, tôi không biết làm sao, mong nhà nước xem đây là thiên tai để hỗ trợ cho gia đình, bởi không thể khắc phục được”. Lúa chết, tôm nuôi của bà cũng gặp khó do độ mặn trong vuông tôm quá cao, có khả năng mùa tôm sau không hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NNPTNT huyện Thới Bình, Cà Mau nhận định “Năm nay bà con trồng lúa trên đất tôm sẽ gặp khó kết thúc mùa mưa sớm, nắng nóng kéo dài, khả năng lúa bị thiệt hại nhiều. Qua kinh nghiệm nhiều năm cho thấy nếu lúa trên đất tôm mất kéo theo mùa tôm cũng sẽ khó khăn. Chúng tôi chính thức khuyến cáo người dân dừng cấy lúa trên đất tôm từ đầu tháng 11 dù rằng không đạt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao”.
Một vụ mùa mới đang chỉ bắt đầu ở khâu xuống giống đã gặp phải khó khăn, người nông dân sẽ thêm nhiều bất trắc khi đợi chờ đến ngày thu hoạch cho trà lúa trên đất tôm một thời được mệnh danh là cứu cánh cho toàn vùng chuyển đổi của Cà Mau - Bạc Liêu.