Cùng đó, giá trị xuất khẩu mặt hàng này vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản, với trên 50% và tăng trưởng ở hầu hết các thị trường, nhất là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản. Con tôm thật sự trở thành niềm hy vọng lớn của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hầu hết các mặt hàng thủy sản khác đều chững hoặc giảm.
Một diễn biến bất ngờ đầy bất lợi cho ngành tôm Việt Nam trong thời điểm cuối năm, đó là việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định áp thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ ở mức cao. Theo đó, có 30/32 doanh nghiệp Việt Nam phải chịu mức thuế phi lý này. Mức bình quân của các doanh nghiệp bị đơn tự nguyện phải chịu là 6,37%. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn tác động trực tiếp đến người nuôi tôm. Như ý kiến của ông Võ Hồng Ngoãn, người nuôi tôm ở Bạc Liêu, DOC đánh thuế vào doanh nghiệp, nhưng thực tế lại trúng người nông dân. Vì khi con tôm bị áp thuế cao, doanh nghiệp sợ thua lỗ sẽ ép giá thu mua từ nông dân.
Thực tế nhiều ngày qua, giá tôm nguyên liệu ở nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL giảm liên tục, trung bình 10 - 20 nghìn đồng/kg. Nguyện vọng của người nuôi tôm lúc này là Nhà nước, các hiệp hội và doanh nghiệp có cách thức đấu tranh hợp lý với những quyết định của DOC để giữ vững sự ổn định cho xuất khẩu tôm, từ đó, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.
Cùng đó, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ để tránh lệ thuộc và tạo sự thế cân bằng trong chế biến, xuất khẩu.Vẫn còn nhiều vấn đề với lĩnh vực mũi nhọn này của ngành thủy sản, hy vọng sẽ sớm được tháo gỡ để những tháng cuối năm, con tôm có đà thẳng tiến về đích.