Cây kinh tế của miền Đông và Tây Nguyên
Không ít nhà vườn tại miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên đã đem giống bơ sáp về trồng thành trang trại và có thu nhập ổn định. Điển hình là anh Trịnh Xuân Mười (ở Đắk Lắk) khá thành công với cây bơ sáp. Anh nhận được sự hỗ trợ của GS Nguyễn Lân Dũng về kỹ thuật ghép cũng như chăm sóc. Anh Mười cho rằng, chính GS Nguyễn Lân Dũng là người thầy đã đem tới cho anh những lý thuyết cụ thể, cặn kẽ về kỹ thuật trồng bơ, phương pháp lai giống dựa trên tính di truyền quyết định bởi cành ngọn.
Hiện nay, Trịnh Xuân Mười đã đăng ký sở hữu độc quyền 10 giống bơ quý cả chính vụ và trái vụ do anh lai tạo thành công, cho chất lượng và sản lượng vượt trội, đặc biệt là nhãn hiệu BXM (tức Bơ Xuân Mười) và bơ muộn tháng 10. Bên cạnh đó, anh còn cung cấp cây giống cho khắp Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, ngoài cây bơ được trồng ở Tây Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc thì hiện nay một số tỉnh phía Nam cũng trồng bơ. Diện tích trồng bơ không nhiều do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước đây, người dân Tây Nguyên trồng bơ chủ yếu để làm hàng rào và che bóng mát, quả bơ không dùng để bán mà chỉ để ăn trong nhà, thi thoảng tặng người thân. Đến mùa, bơ chín rụng đầy gốc cũng không ai buồn nhặt.
Tuy nhiên, từ những năm 2006 đến nay, trái bơ dần trở thành một trong những loại quả có giá trị kinh tế cao, được tiêu thụ lớn nhất trên cả nước, có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành, từ chợ cóc tới siêu thị, và được người tiêu dùng yêu chuộng. Giá bơ vì thế cũng nhích dần qua từng năm. Hiện giá bơ trên thị trường dao động từ 10.000 - 60.000 đồng/kg.
Để có vụ bơ đầu tiên, người trồng đợi ít nhất 3 năm đối với giống bơ lai ghép và từ 5-6 năm đối với giống bơ trồng bằng hạt mới thu hoạch. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều giống bơ: Bơ nước, bơ sáp, bơ sáp dẻo… Mỗi loại bơ đều có hương vị thơm ngon khác nhau, độ béo khác nhau nhưng được yêu thích và có giá cao hơn cả là loại bơ sáp.
Từ loại cây trái tưởng chừng như chỉ có ở đất Tây Nguyên, nay cây bơ có mặt tại khu vực ĐBSCL. Loại trái cây này ngày càng được ưa chuộng, nhất là vào mùa nắng nóng do có độ dinh dưỡng cao, làm mát, giải nhiệt…
Vẫn trồng được ở đồng bằng
Ông Huỳnh Trần Quốc Phi (xã Phú Đức, huyện Châu Thành, Bến Tre) cho biết, khoảng năm 2000, một lần gia đình mua bơ về ăn rồi quăng hột thành đống ra sau nhà. Bất ngờ, một thời gian sau, hột nảy mầm mọc lên khoảng 6 - 7 cây. Ông quyết định lấy bơ ghép và đem trồng, nhân ra từ vài ba cây đến nay được trên 90 cây. Ông cho biết, hiện nay, cây lớn có đường kính tàn cây khoảng 4m, cao khoảng 4,5m, đang cho trái rất sai, từ 70-100 kg/cây. Riêng cây đầu dòng cho trái có lúc hơn 400kg. Giá bán cho thương lái tại vườn là 40 ngàn đồng/kg. Như vậy, một cây ông có thể thu nhập gần 10 triệu đồng/năm.
Từ bất ngờ này, ông quyết định sản xuất giống bơ. Năm 2014, ông sản xuất trên 45 ngàn cây giống, chủ yếu cung cấp ngược cho các tỉnh miền Đông Nam bộ, nhiều nhất là tỉnh Lâm Đồng. Năm 2015, ông sản xuất trên 130 ngàn cây. Để đáp ứng số lượng cây giống trên, ngoài sản xuất tại chỗ, ông còn thuê đất mở rộng trại giống tại xã Sơn Định, huyện Chợ Lách.
Trao đổi về kỹ thuật trồng, ông Phi cho biết, cây bơ rất dễ trồng, ít bị sâu bệnh, khoảng 3 tháng bón phân một lần. Khi cây ra bông phải hạn chế tưới nước vì tưới nước nhiều, cây sẽ ra đọt non, dễ làm rụng trái non. Bơ thường ra bông vào tháng 1 - 2 (âm lịch), có năm hết mưa sớm thì cây ra bông vào tháng 12 (âm lịch) và thu hoạch trái từ tháng 4 đến 5 - 6 (âm lịch).
Hiện tại ở Bến Tre, ngoài ông Phi, có rất nhiều cơ sở tại làng giống Cái Mơn chuyển sang ghép bơ giống bán cho các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ. Một số nhà vườn cho rằng, cây bơ có thể trồng được ở nơi gò đất cao, bờ bao quanh vườn. Chính vì vậy, các nhà vườn ở Bến Tre, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp cũng mua bơ về trồng thử nghiệm.
Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT Bến Tre, cây bơ quan trọng nhất là khâu chọn giống và chăm sóc. Trên thị trường hiện tại có trên 40 loại giống khác nhau. Chính vì vậy, bà con muốn trồng nên chọn cơ sở giống có uy tín, chất lượng. Đặc biệt, khâu chăm sóc cần bón phân hợp lý, tuân thủ kỹ thuật chăm sóc theo khuyến cáo của các trung tâm khuyến nông huyện, thị.
Hiện tại, người miền Tây đang ùn ùn trồng bơ, nên câu hỏi đặt ra là, liệu vài năm tới bơ có đầy đường như chôm chôm, thanh long hay không?
Cần xem xét điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết và khác biệt đặc thù của từng vùng đất
Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng GĐ Cty CP Phân bón Bình Điền. |
Bơ là loại quả chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất trong các loại trái cây và được trồng ở Việt Nam hơn 100 năm nay. Thời kỳ đầu, mọi người chưa biết nhiều đến giá trị của nó, trồng chủ yếu làm cảnh hoặc che mát nhưng những năm gần đây, cây bơ được người tiêu dùng biết đến. Bởi nó được dùng để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: nguyên liệu để làm mỹ phẩm, ép làm dầu ăn, ăn tươi trực tiếp. Trong bơ có nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe, do vậy giá bơ ngày càng tăng cao và người trồng có thu nhập ổn định.
Bơ rất dễ trồng và trồng được trên một số loại đất, khả năng thích nghi và chống chọi với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết khá tốt. Nhưng để một vườn bơ có chất lượng đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng thì vườn bơ đó phải được trồng ở đất bazan và trước khi trồng cần chọn giống tốt, có quy trình chăm sóc, bón phân hợp lý.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng có thể trồng được cây bơ trên một số loại đất như ở vùng đất cao thoát nước tốt không bị nhiễm mặn, nhiễm phèn và trên thực tế vài năm gần đây bà con nông dân miền Tây đã trồng. Tuy nhiên, việc phát triển cây bơ ở ĐBSCL cần phải xem xét một cách thận trọng. Như bà con mình đều biết, điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết từng khu vực có những khác biệt và đặc thù nhất định. Chính vì thế, thiên nhiên ban tặng cho ta những loại nông sản có hương vị đặc thù khác nhau. Chẳng hạn như ĐBSCL có những loại nông sản đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có. Nên chăng bà con mình cần tập trung chăm sóc, đầu tư cho các loại nông sản vốn là thế mạnh của vùng đất? Tập trung xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng biết đến sự đặc trưng của nó và từ đó hiệu quả kinh tế sẽ được nâng lên. Bà con nông dân không nên chạy theo phong trào và lợi nhuận trước mắt mà quên đi lợi thế sẵn có của vùng, miền vốn bản thân nó đã chứa đựng nhiều lợi thế. Đó là chưa kể đến việc nhiều người trồng sẽ dẫn đến tình trạng dội chợ, rớt giá.
Tính khả thi của việc trồng cây bơ mang tính thương mại ở ĐBSCL cần phải suy xét thấu đáo, bởi một số loại nông sản thế mạnh như cam sành, sầu riêng, bưởi...vẫn đang mang lại hiệu quả cho bà con nông dân ở ĐBSCL.
Lê Quốc Phong
Cần bán gấp 30 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500 tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ 0946705238,0948.2222.17 cam kết chất lượng.