Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nông sản qua địa bàn, vừa qua, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề "Chính sách và giải pháp hỗ trợ xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc qua tỉnh Cao Bằng”.
Hội thảo có sự tham dự của gần 600 đại biểu đến từ Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Ban Kinh tế Trung ương và một số cơ quan bộ ngành Trung ương; đại biểu đến từ 18 tỉnh, thành phố vùng Tây Bắc và phía Nam Việt Nam; các nhà quản lý, học giả, doanh nghiệp của Việt Nam và thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây và các tỉnh Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hà Nam, Vũ Hán, Hồ Nam (Trung Quốc).
Bách Sắc là một trong những địa chỉ “sản xuất rau của miền Nam để cung ứng lên thị trường miền Bắc” quan trọng của cả Trung Quốc. Theo đó, thành phố Bách Sắc cung cấp 30% tổng lượng hàng nông sản của Trung Quốc, tiêu thụ đến hơn 200 thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân, Liêu Ninh, Thượng Hải..
. Ngày 11/12/2013, Bách Sắc đã triển khai chuyến tàu chuyên dùng vận tải rau quả của Bách Sắc đi Bắc Kinh, lưu lượng vận chuyển có thể đạt 6 triệu tấn; rút ngắn thời gian bảo quản hoa quả, nông sản, là bước khởi đầu cho chiến lược đẩy nhanh xây dựng khu thí điểm mậu dịch tự do hàng nông sản Trung Quốc - ASEAN, tạo điều kiện cho việc giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực trồng, chế biến và tiêu thụ nông sản giữa Trung Quốc và các nước ASEAN...
Đó là cơ sở, điều kiện quan trọng để Cao Bằng và Bách Sắc hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa những nông sản sử dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến và nguồn giống ưu việt đã được trồng thành công đến trồng tại tỉnh Cao Bằng, tạo thành hàng hóa để tiêu thụ tại thị trường hai bên và xuất khẩu sang thị trường các tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc.
Trong khi đó, những năm vừa qua, hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc được thực hiện chủ yếu qua các cửa khẩu của các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, một số tỉnh vùng Tây Bắc trong đó có Cao Bằng. Mặc dù xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt mức tăng trưởng cao, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, phương thức xuất khẩu hàng hóa chủ yếu qua con đường tiểu ngạch theo hình thức trao đổi thương mại cư dân vùng biên.
Vì vậy, tính ổn định không cao, giá bán thấp; công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch còn lạc hậu; mẫu mã chưa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và chưa có thương hiệu; sản phẩm xuất khẩu còn phân tán, thiếu tập trung; xảy ra tình trạng ùn tắc hàng nông sản tại một số cửa khẩu gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại Hà Nội) cho rằng Cao Bằng cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ để thúc đẩy các đối tác, doanh nghiệp, nông dân tham gia vào chuỗi cung ứng, đảm bảo cho sự bền vững của chuỗi, giảm thiểu rủi ro, làm sao xuất khẩu sang Trung Quốc một cách chính ngạch...
Ông Vũ Thanh Sơn (Tổng giám đốc TCty Thương mại Hà Nội) kiến nghị, ngoài chính sách chung, Cao Bằng cần có chính sách cụ thể đặc thù hơn, có sự khác biệt hơn đối với các khu vực cửa khẩu như Lạng Sơn, Quảng Ninh… Cần cụ thể hóa, minh bạch hóa xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản giữa hai bên. Minh bạch về chất lượng, thuế, chế độ thủ tục hải quan, thông tin…
Ông Nguyễn Văn Long (Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long) nhận định, hội thảo mở ra cơ hội để nông sản miền Tây Nam bộ tham gia xuất khẩu sang thị trường lớn Trung Quốc, vì vậy, Cao Bằng cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, cho biết Cao Bằng kỳ vọng trở thành trung tâm cốt lõi nội vùng, cùng với các địa phương khác trong khu vực Tây Bắc hình thành cực phát triển, cùng với các vùng kinh tế lớn của cả nước, là cầu nối thường xuyên với các vùng kinh tế năng động của Tây và Tây Nam Trung Quốc.
Trên cơ sở những kiến nghị khoa học của hội thảo quốc tế, tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền thành phố Bách Sắc tổ chức thị trường, thực hiện xuất khẩu nông sản theo hợp đồng thương mại quốc tế trên cơ sở liên kết với các địa phương có nguồn hàng trong cả nước, nhằm cụ thể hóa thỏa thuận khung về thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam qua cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang đã ký giữa tỉnh Cao Bằng và thành phố Bách Sắc..
"Cao Bằng cam kết đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, lấy thương mại cửa khẩu là động lực chính để phát triển KT-XH địa phương. Giai đoạn 2016 - 2020, Cao Bằng tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hoàn thành trục giao thông từ Trà Lĩnh, Cao Bằng đi Hải Phòng. Tiếp tục cải các hành chính, hoàn thiện môi trường đầu tư. Đề nghị Bộ Công thương chủ trì tham mưu cho chính phủ cho phép thực hiện cơ chế thí điểm thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang." Ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng..