Sản phẩm cá hấp Cửa Việt đang được làm thủ công, chưa có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng
Vài năm trở lại đây, nghề hấp sấy cá xuất khẩu đã mang đến sự đổi thay cho cuộc sống của người dân thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Hiện ở Cửa Việt có khoảng 150 cơ sở chế biến cá hấp khô với sản lượng hàng năm trên 6.300 tấn cá thành phẩm. Mỗi ngày một gia đình ngư dân có lò hấp có thể kiếm được vài triệu đồng từ công việc đơn giản là hấp cá phơi khô xuất khẩu.
Trước hiệu quả kinh tế của nghề hấp sấy cá, nhiều gia đình ở Cửa Việt đã đầu tư những lò hấp cá công suất lớn. Nhờ tuân thủ đúng quy trình của công nghệ truyền thống, từ cách sơ chế đến thành phẩm lại được phơi nắng gió đặc trưng của Quảng Trị, tạo nên hương vị riêng của cá hấp khô Cửa Việt được thị trường ưa chuộng. Trung bình sau khi hấp một tấn cá nguyên liệu, trừ các chi phí chủ lò có thể lãi từ 500-1 triệu đồng tùy thời điểm. Không chỉ làm giàu cho các chủ lò, nghề hấp sấy cá khô ở Cửa Việt đã giải quyết đầu ra cho tàu thuyền sau khai thác, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển và tạo thêm hàng trăm việc làm cho lao động địa phương.
Tuy có những hiệu quả nhất định nhưng đến nay, nghề hấp cá khô ở Cửa Việt chủ yếu vẫn phát triển theo kiểu tự phát, dựa vào nguồn nguyên liệu của biển cả và sức lao động dồi dào của địa phương. Người dân cứ thấy hiệu quả thì đua nhau mở lò hấp. Việc chế biến, hấp sấy cá chủ yếu là do người dân tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nên phương thức chế biến còn đơn giản, thô sơ; bao bì, mẫu mã đóng gói chưa được chú trọng về hình thức. Đặc biệt, đến nay sản phẩm cá hấp Cửa Việt vẫn chưa được xây dựng thương hiệu, nhãn mác…khách hàng dễ nhầm lẫn với các sản phẩm cá hấp sấy khô ở các địa phương khác. Đồng thời dễ bị làm giả, làm nhái từ các loại cá nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Những yếu tố trên đã có nhiều tác động bất lợi đến uy tín và thị trường tiêu thụ của sản phẩm cá hấp khô Cửa Việt. Dù hiện nay sản phẩm cá hấp khô Cửa Việt đang được xuất khẩu nhưng chủ yếu bằng đường tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc nên thường bị tư thương ép giá, giá cả bấp bênh và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thị trường này có biến động.
Trao đổi với chúng tôi về điều này, ông Trần Đình Cảm, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, cho biết: “Riêng địa bàn thị trấn có 42 cơ sở hấp cá khô nhưng hiện nay vẫn hoạt động sản xuất theo công nghệ truyền thống, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên và chưa được quan tâm đến vấn đề môi trường. Các lò hấp phát triển ngày một nhiều, xen lẫn giữa các khu vực dân cư sinh sống nên rất ô nhiễm môi trường. Để đảm bảo đúng quy trình, sản phẩm đẹp, chất lượng tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá hấp khô Cửa Việt cần có sự chuyển đổi công nghệ cho việc chế biến hấp sấy cá. Huyện Gio Linh cũng đã có quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp Đông Gio Linh để đưa các cơ sở chế biến hấp sấy cá vào sản xuất tập trung nhưng đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực. Không có bến bãi để phơi phóng sản phẩm nên đến mùa phơi cá là người dân tận dụng mọi khoảng không gian sinh sống, thậm chí lấn chiếm lòng đường giao thông, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và mỹ quan trên địa bàn. Những bất cập này cần được ngành chức năng quan tâm tháo gỡ chứ địa phương không đủ sức thực hiện”.
Hiện việc hấp sấy cá ở Cửa Việt không chỉ là dịch vụ hậu cần quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của nghề đánh bắt khai thác biển của ngư dân mà còn là ngành chính mang lại sự phát triển kinh tế - xã hội cho vùng biển Quảng Trị. Với tốc độ phát triển mạnh của các lò hấp sấy cá trên vùng biển Cửa Việt như hiện nay, Quảng Trị cần có Hiệp hội chế biến cá hấp nhằm kết nối các cơ sở chế biến, tăng sức mạnh đối phó với các tiềm ẩn rủi ro của thị trường. Có tổ chức nghề nghiệp, hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá hấp Cửa Việt sẽ thuận lợi hơn. Việc xây dựng thương hiệu có thể được bắt đầu thông qua các hoạt động của hiệp hội như: quảng bá giới thiệu sản phẩm; nghiên cứu tư vấn, dự báo thị trường; tổ chức tham quan, học hỏi chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ sở hấp sấy cá nhằm đa dạng hóa sản phẩm chế biến, đáp ứng yêu cầu ngày càng phong phú đa dạng của khách hàng. Phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ tính pháp lý của sản phẩm trước sự cạnh tranh thị trường…
Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, đến nay các loại cá tầng đáy vẫn chưa đạt chuẩn về chất lượng nên nhiều tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang khai thác các loại cá tầng nổi, trong đó có cá nục và cá cơm (nguyên liệu chính của các lò hấp). Đây là cơ hội cho các cơ sở chế biến hấp sấy cá khô ở Cửa Việt tiếp tục phát triển. Trong điều kiện tỉnh đang thực hiện chuyển đổi sinh kế cho các địa phương ven biển; người dân đã bắt đầu được chi trả tiền bồi thường thiệt hại sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, thiết nghĩ ngành chức năng và chính quyền địa phương cần định hướng, hỗ trợ để người dân tận dụng mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp và đổi mới công nghệ chế biến của các cơ sở hấp sấy cá. Đồng thời quan tâm thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá hấp khô Cửa Việt, đảm bảo sản phẩm của người dân làm ra sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trước xu thế hội nhập, tạo thêm một thương hiệu đặc sản cho quê hương Quảng Trị.
LÂM THANH
Quảng cáo: cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia giá 5.500đ/kg (đạm:50%) , bột đầu tôm giá 7.500đ/kg (đạm 35%, tro < 25%), cám bắp 5.000đ/kg (tro <5%) , bột cá 50% (đạm 50%, tro <21%) giá 14.000đ, Liên hệ 08.6260 0412