Nuôi cá tra tại huyện Phú Tân, An Giang. Ảnh: Thuận Hải
Đó là kết quả mà Cục Thú y (Bộ NNPTNT) công bố ngày 4.4, sau đợt khảo sát trực tiếp tình hình sử dụng kháng sinh tại các hộ nuôi trồng thủy sản trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016.
Tràn lan sử dụng kháng sinh cấm
Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 79,4% số hộ nuôi cá tra (cả nuôi thương phẩm và nuôi cá giống) được khảo sát có sử dụng kháng sinh. Tỷ lệ này đối với các hộ nuôi tôm là khoảng 68%.
Cụ thể, kết quả điều tra 139 hộ nuôi cá tra thương phẩm tại 3 tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp và An Giang cho thấy, có đến 82,7% số hộ sử dụng kháng sinh. Trong đó, các loại kháng sinh và nguyên liệu kháng sinh cấm, hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản như Enrofloxacin, Amoxiline, Tetracycline, Sunfa, Doxycycline… cũng được sử dụng phổ biến. Trong những loại kháng sinh này, có nhiều loại đã bị các nước nhập khẩu thủy sản Việt Nam cảnh báo và trả hàng về do có tồn dư cao.
Kết quả điều tra 139 cơ sở sản xuất cá tra giống tại 3 tỉnh trên cũng cho kết quả có gần 76% cơ sở sử dụng kháng sinh. Trong đó, 100% các cơ sở được kiểm tra đều không làm kháng sinh đồ trước khi sử dụng. Ngoài ra, một số cơ sở nuôi cá tra còn sử dụng cả kháng sinh dùng trong y tế như Cefamycin, Rifamicin… để chữa bệnh cho thủy sản.
Đối với tôm nuôi, kết quả điều tra 218 cơ sở nuôi thâm canh và bán thâm canh tại tỉnh Bạc Liêu cho thấy, có đến 67% cơ sở sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Hộ nuôi sử dụng kháng sinh để phòng bệnh từ khi thả nuôi đến khi tôm được 3 tháng tuổi. Đặc biệt, trong quá trình điều tra, nhiều hộ nuôi vẫn sử dụng các chất bị cơ quan chức năng cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản như Enrofloxacin, Chloramphenicol…
Cục Thú y nhận định, việc sử dụng kháng sinh tràn lan trong nuôi trồng thủy sản những năm qua đã ở mức báo động, đặc biệt là các loại kháng sinh cấm, hạn chế sử dụng. Trong khi đó, việc nhập khẩu các loại kháng sinh này thời gian qua vẫn rất phổ biến.
Theo đó, chỉ riêng trong năm 2015, có 16 doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu Enrofloxacin (cấm sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản) với khối lượng 109.440kg, có 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu Oxytetracyclin (hạn chế sử dụng) với khối lượng 284.900kg. Ngoài ra còn có 5 công ty nhập khẩu hơn 6.800kg nguyên liệu kháng sinh Tetracycline. Tất cả các công ty đều đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh với mục đích sản xuất thuốc thú y.
Kiểm tra nhưng... khó phát hiện
Ông Trần Đình Luân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, sau nhiều năm việc một số người dân lạm dụng kháng sinh, thuốc thú y, đã khiến môi trường nuôi trồng thủy sản ô nhiễm trầm trọng. Thói quen sử dụng kháng sinh cũng đã bén sâu trong tư tưởng nhiều hộ nuôi. Thế nhưng, có tình trạng, cán bộ, cơ quan chức năng đi thanh, kiểm tra nhưng không thể phát hiện được sai phạm, hoặc có sai phạm nhưng chỉ là những lỗi nhỏ.
“Có những đợt xử phạt cả trăm triệu đồng nhưng chỉ toàn những lỗi như sai nhãn mác, sai thương hiệu… Còn chất lượng sản phẩm, việc buôn bán, sử dụng kháng sinh, chất cấm như thế nào thì không kiểm tra phát hiện được” - ông Luân kể.
Ông Lê Minh Khánh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, 3 tháng đầu năm 2016, dù dịch bệnh trên tôm có giảm nhưng ngược lại, việc kiểm soát sử dụng kháng sinh vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, các hình thức mua bán kháng sinh, chất cấm đã tinh vi hơn. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc kháng sinh không phân phối sản phẩm qua các kênh thông thường như đại lý, cửa hàng thuốc thú y mà chuyển thẳng đến ao nuôi.
Trong khi đó, cái khó của cơ quan quản lý là theo quy trình, việc kiểm tra, lấy mẫu rồi chuyển đi phân tích, rồi chờ kết quả… rất tốn thời gian, việc giám sát tại chỗ thì chưa có biện pháp nào, chưa có dụng cụ hỗ trợ xác định được có kháng sinh cấm trong ao nuôi...
Do đó, ông Khánh đề nghị cần có chương trình kiểm tra định kỳ để nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện các ao nuôi sử dụng các loại kháng sinh cấm để xử phạt nghiêm minh.
Còn theo Cục Thú y, đơn vị này đề xuất tập trung thanh tra, kiểm tra việc nhập khẩu và lạm dụng kháng sinh đối với các loại kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản gồm Enrofloxacin, Nitrofuran. Các chất hạn chế sử dụng trong chăn nuôi và thủy sản như Tetracycline, Oxytetracycline cũng được Cục Thú y yêu cầu kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu.
Tăng tần suất giám sát ao nuôi
Để chủ động giám sát dịch bệnh trên cá tra phục vụ xuất khẩu, các cơ sở ương cá tra giống và cá thương phẩm sẽ được tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra lên 2 lần/tuần, liên tục trong 5 tháng từ tháng 3 đến tháng 8.2016. Cụ thể, Cục Thú y cho biết, 30 cơ sở sản xuất cá tra giống và 90 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm tại 3 tỉnh Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp sẽ được lấy mẫu giám sát nói trên. Ngoài ra, các mẫu cá, mẫu nước và mẫu bùn được xét nghiệm để phát hiện bệnh gan thận mủ, bệnh xuất huyết, đồng thời, phân lập vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để đánh giá và hướng dẫn sử dụng kháng sinh.
06/04/2016
Thuận Hải
Báo Dân Việt,
Chuyên cung cấp: + NLTA cho gia súc-gia cầm: Bã Hèm Bia, Bột Xương Thịt, Cám bắp, Bã nành,DDGS, bã đậu phộng,... + NLTA cho thủy sản: Bột đầu tôm, bột cá 45% - 65% đạm, bột gan mực, bột huyết, bột vỏ cua.... ***LH để có giá tốt : Tell-zalo : 0946 705 238 |