Tin Tức Nông Sản

Cà phê bẩn: Khi cà phê không có... caffeine

Thứ ba, 19/07/2016 08:06 lượt xem: 4646

Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) vừa công bố, trong 253 mẫu cà phê được khảo sát có tới 30,04% có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/l), trong đó có 5 mẫu hoàn toàn không chứa caffeine. Các mẫu này đều được tìm thấy từ các điểm bán quen thuộc hằng ngày là các quán cà phê vỉa hè, quán cóc và cà phê bệt.

Việc khảo sát được Vinastas thực hiện tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Sóc Trăng với mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các điểm kinh doanh cà phê khác nhau gồm: quán cà phê lịch sự, quán cóc, căn-tin bệnh viện, cà phê vỉa hè và xe đẩy. Theo đó, nhóm cà phê không có caffeine hoặc hàm lượng không đáng kể chủ yếu được bày bán tại các quán cà phê vỉa hè, xe đẩy, căn-tin bệnh viện, trường học...

Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã truy ra khá nhiều vi phạm trong sản xuất cà phê, đặc biệt là việc dùng cùi bắp, đậu nành rang cháy cùng các hóa chất để “hô biến” thành cà phê bột. Tuy nhiên, những kẽ hở trong phương pháp quản lý vẫn tạo điều kiện cho thị trường tiêu thụ cà phê bẩn ở Việt Nam ngày càng “tấp nập”.

Đặc biệt, mô hình cà phê mang đi (take away) hiện đang được phát triển rộng rãi, phù hợp với lối sống ngày càng bận rộn của người tiêu dùng ở các thành phố lớn. Theo như quảng cáo, chúng ta có thể dễ dàng tìm mua một ly cà phê “nguyên chất” tại những cửa hàng này với giá chỉ 10.000 – 12.000 đồng/ly. Trong khi đó, tại các nhà hàng, quán cà phê sang trọng, ly cà phê lại được bán với giá 70.000 – 80.000 đồng.

Làm một phép tính, trên thị trường hiện nay, giá bán của cà phê nhân dao động từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Với 1 kg nhân cà phê chỉ pha chế được 0,7 kg cà phê bột. Giá thành như vậy nhưng nhiều hãng cà phê chào hàng đến các hàng quán bình dân với giá chỉ từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán 40.000 đồng/kg cà phê bột. Tính cả chi phí nhân công, nhãn mác, bao bì, tiếp thị, vận chuyển… thì không hiểu những cơ sở này lấy lãi ở đâu, kinh doanh kiểu gì?

ky 1 khi ca phe khong co caffeine
Cà phê độn đậu nành tại cơ sở rang xay cà phê Q.Bình Tân bị cơ quan chức năng thu giữ (Ảnh: Ngọc Dương)

Hiện nay vẫn chưa có thống kê nào cho biết tại Việt Nam đang có bao nhiêu đơn vị sản xuất cà phê bột. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã truy ra khá nhiều đơn vị vi phạm trong sản xuất cà phê, đặc biệt là việc dùng cùi bắp, đậu nành cùng các hóa chất để “hô biến” thành cà phê bột.

Sẽ là vô hại nếu những thứ nông sản đó được chế biến bình thường, nhưng đằng này, chúng lại được sấy cháy đen thành… than rồi mới tẩm ướp, sau đó đóng gói và tung ra thị trường bằng cách cung cấp cho các quán cà phê vỉa hè, ki-ốt hoặc cửa hàng cà phê kinh doanh nhỏ lẻ.

Ngày 15/7 vừa qua, Đoàn thanh tra liên ngành TP.HCM cùng các cơ quan chức năng “đột kích” và tiếp tục phát hiện một số cơ sở rang xay cà phê tại Q.Bình Tân và huyện Bình Chánh sản xuất cà phê “độn” đậu nành. Chủ cơ sở này khai nhận, ngoài kinh doanh cà phê “nguyên chất”, ông nhận gia công sản phẩm cà phê “độn” cho nhiều mối hàng, với giá 1.500 đồng/1kg.

Trước đó, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đắk Lắk cũng đã công bố kết quả nghiên cứu trên 27 mẫu cà phê bột và cà phê hòa tan của 30 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngoài nguyên liệu cà phê nhân thì có trên 70% số cơ sở dùng thêm đậu nành, bắp, đậu đỏ, caramel, hương liệu cà phê, bột va ni, rượu, bơ các loại, và có cả… nước mắm để sử dụng cho chế biến cà phê. Tuy nhiên, tỉ lệ cà phê nhiều hay ít, các thành phần còn lại gồm những chất độn gì thì gần như không được kiểm tra, bóc tách để phân biệt.

Ông Nguyễn Văn Lâm - chủ cơ sở chế biến cà phê thương hiệu Nguyên Lâm (Đắk Lắk) cho biết, mỗi cơ sở sản xuất đều có cách phối trộn các loại phụ gia, chất độn theo công thức riêng để tạo nên hương vị đặc trưng. Máy rang thủ công ở các cơ sở nhỏ lẻ cũng không thể đo được nhiệt độ, không kiểm soát được độ cháy, hóa than.

Ngay các thành phần độc tố như asen, thủy ngân, than... có trong cà phê sinh ra trong quá trình nào, chiếm hàm lượng bao nhiêu ông Lâm cũng lắc đầu: “Cái đó chúng tôi chép trong mẫu đăng ký tiêu chuẩn chất lượng của ngành y tế. Cơ quan chức năng cũng chỉ kiểm tra độ ẩm và hàm lượng caffeine thôi”...

ky 1 khi ca phe khong co caffeine
Công an kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột ở Đắk Lắk

Bác sĩ Trần Văn Tiết - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng đã xác nhận: “Chất lượng các sản phẩm thức ăn, uống nói chung, trong đó có cà phê là do chủ đơn vị sản xuất, chế biến tự đăng ký, công bố chất lượng và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc các sản phẩm cà phê không đảm bảo chất lượng chỉ được phát hiện khi có các đoàn kiểm tra, lấy mẫu phân tích. Cơ quan kiểm tra chất lượng cà phê cũng chỉ giám sát độ ẩm và hàm lượng caffeine. Kể cả hàm lượng caffeine trong các mẫu sản phẩm, cơ quan kiểm tra cũng không tách biệt được là từ tinh cà phê hay từ cà phê nhân.”

Như vậy, nếu chỉ phạt vì độ ẩm, hàm lượng caffeine không đúng với thông tin công bố trên bao bì là hoàn toàn chưa đủ, bởi những chất độn, phụ gia, hóa chất này là gì, có tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng ra sao mới là vấn đề quan trọng.

Theo nhìn nhận của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, cà phê “độn” so với cà phê thật về độ độc hại với sức khỏe người tiêu dùng thì không cách xa lắm bởi bản thân cũng đều là các loại hạt được rang cháy, là các loại thực phẩm được khuyến cáo không nên sử dụng bởi khi vào cơ thể nó sẽ sinh ra các chất lạ gây bệnh.

Còn về việc sử dụng mùi nhân tạo và chất tạo đặc trong sản xuất cà phê có hại hay không, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, không chỉ Việt Nam mà các nước sản xuất cà phê đều dùng mùi nhân tạo.

“Độc hay không phụ thuộc vào liều lượng sử dụng. Đặc biệt là phải có nguồn gốc rõ ràng. Tôi thấy cái khổ cho thị trường cà phê Việt là cà phê bị pha hương liệu, nguyên liệu mua không rõ nguồn gốc.” – ông Thịnh nhận xét.

Theo báo cáo mới nhất về ngành cà phê Việt Nam của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, niên vụ 2015/2016, tiêu thụ cà phê rang xay nội địa tại Việt Nam ước đạt 135 triệu kilogram cà phê nguyên liệu, tương đương tối đa 16,875 tỷ ly cà phê (nếu pha loãng) theo tiêu chuẩn pha chế của Hiệp Hội Cà Phê Đặc Biệt Hoa Kỳ.

Con số 16,875 tỷ ly cà phê này là dựa vào tiêu chuẩn pha cà phê espresso (ly nhỏ và đậm). Người Việt Nam có xu hướng pha chế cà phê với dung tích lớn hơn và pha loãng hơn để chế biến thành các loại thức uống khác nhau (như cà phê sữa, cà phê đá, vv). Như vậy, số ly cà phê người Việt tiêu thụ trong một năm còn có thể lớn hơn con số 16.8 tỉ này rất nhiều.

Liệu trong hơn 16,8 tỉ ly cà phê đó, ai có thể phân biệt được ly cà phê nào là thật, ly nào là cà phê độn, “cà phê hóa chất”? Không một ai biết được có bao nhiêu người đã uống phải loại “cà phê” này, nạp vào cơ thể bao nhiêu chất độc hại hóa chất không rõ nguồn gốc...

Trong khi ngay những “ông chủ” cơ sở sản xuất, chế biến cà phê bột - người đứng ra công bố chất lượng, chịu trách nhiệm pháp lý về chất lượng sản phẩm - cũng tù mù về các thành phần độc hại trong sản phẩm của mình.

Nguyên Phương

 

Cần bán gấp 30 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500 tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ 0946705238,0948.2222.17 cam kết chất lượng.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện