Thông tin thị trường

Cá chết ở Thanh Hóa: Để dòng sông tự 'chữa bệnh'

Thứ tư, 11/05/2016 18:00 lượt xem: 5426

Theo đại diện Bộ NNPTNT, phạm vi ô nhiễm ở sông Bưởi rất lớn, cơ quan chuyên môn thống nhất để dòng sông tự trung hòa nguồn nước, để dòng chảy tự nhiên giúp nguồn nước ổn định lại

về vụ cá chết hàng loạt trên sông Bưởi ở Thanh Hóa, chiều 11/5, báo Dân trí dẫn lời ông Trần Công Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng Cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT) cho biết: Cơ quan chức năng bước đầu xác định nguyên nhân làm nước sông Bưởi bị ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt là do nguồn nước thải của Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình xả ra.

Hiện tại, cơ quan chức năng đã “cắt” nguồn nước xả của công ty này khỏi dòng sông. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng nghiêm cấm các xã ở lưu vực đoạn sông Bưởi nói trên không được xả nước thải nguy hại ra dòng sông.

Về hướng xử lý dòng nước ô nhiễm trên sông Bưởi, ông Khôi thông tin: “Ban đầu tôi cũng định đề nghị đưa chế phẩm sinh học, hóa chất xuống để xử lý nguồn nước sông Bưởi đang bị ô nhiễm nhưng lại thôi, vì xét thấy không khả thi lắm.

Nguồn nước sông Bưởi bị ô nhiễm chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Thạch Thành – Thanh Hóa đã là 50km, phạm vi rất lớn. Do vậy, cơ quan chuyên môn thống nhất là để dòng sông tự trung hòa nguồn nước, 1 thời gian dòng chảy tự nhiên của con sông sẽ làm nguồn nước ổn định trở lại”.

Cá chết ở Thanh Hóa: Để dòng sông tự 'chữa bệnh' - Ảnh 1

Nguồn nước ô nhiễm khiến người thả cá lồng trên sông Bưởi thiệt hại nặng nề.

Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người dân chưa nên thả cá giống ở thời điểm này, cần chờ 3-4 tháng nữa khi nguồn nước ổn định mới tiến hành thả cá trở lại.

Trong thời gian chờ nước sông Bưởi trong lành trở lại, người dân nên thả cá giống với số lượng ít để thử, nếu cá phát triển bình thường mới nên thả nhiều.

Như báo Người đưa tin đã phản ánh, ngày 4/5, nhiều người dân xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) ra sông giặt giũ thì bất ngờ phát hiện hàng loạt cá chết trắng nổi trên sông Bưởi. Nước sông chuyển sang màu xanh đục, nổi bọt, bốc mùi tanh hôi.

Những ngày sau đó, cá tiếp tục chết hàng loạt nổi trắng sông Bưởi, nhiều gia đình thả lồng nuôi cá trên sông bị thiệt hại nặng nề, nước sông ô nhiễm cũng khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng.

Trước tình hình trên, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc và xác định việc xả thải trực tiếp ra sông Bưởi của Nhà máy Mía đường Hòa Bình đã gây ra hậu quả trên.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân và mức độ ô nhiễm và biện pháp xử lý môi trường nước sông Bưởi.

Đề nghị giao Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành điều tra vụ việc xử lý theo quy định của pháp luật.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Bưởi đảm bảo chất lượng nước cho nhân dân ổn định sản xuất và sinh hoạt...

Theo thống kê sơ bộ từ UBND huyện Thạch Thành, tính đến hết ngày 9/5, toàn huyện có 32 hộ bị thiệt hại với 73 lồng cá, tổng trọng lượng hơn 18 tấn.

Các lực lượng chức năng đang tích cực vớt cá chết còn sót lại để đảm bảo vệ sinh môi trường, UBND huyện hỗ trợ 2 triệu đồng trên 1 hộ bị chết cá.

Lê Thanh (T/h)

Theo Người Đưa Tin

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện