Cảnh cá he trong bè của anh Huỳnh Văn Lâm chết đồng loạt
Không chừa một ai
Sông Cái Vừng được xem là “thiên đường” của nghề nuôi cá. Dọc hai bên sông, có hàng bè của ngư dân hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp thả nuôi nhiều loại cá, như: cá he, cá mè, cá lăng… Thế nhưng 4 ngày nay, nơi đây như trở thành “địa ngục” của ngư dân. ThS Trần Anh Thư -Giám đốc Sở NNPTNT An Giang - cho biết, đêm 3.2 rạng sáng 4.2, nhiều bè cá tại khu vực xã Long Hòa (huyện Phú Tân) xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt. Sau đó hiện tượng này lan ra phía hạ nguồn với chiều dài khoảng 10 cây số đi qua địa bàn xã Phú Lâm, Phú Thạnh (Phú Tân). Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 150 bè cá thuộc 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp với tổng sản lượng khoảng 1.000 tấn bị ảnh hưởng với mức độ thiệt hại 80-100%. Theo phản ánh của người dân, nạn cá chết diễn ra rất bất ngờ nên người dân không kịp chống đỡ.
Ông Đỗ Trung L -aichủ 3 bè cá với sản lượng 20 tấn ở xã Phú Lâm - cho biết: “Trước khi xảy ra hiện tượng chết, cá vẫn khỏe mạnh bình thường. Nhưng sau khi xuất hiện dòng nước có lớp “màn” trên mặt, lập tức cá trong bè nhào lộn liên hồi rồi chết phơi bụng”. Thậm chí ngay cả kỹ sư thủy sản cũng “bó tay”. ThS Trần Anh Thư cho biết: khi hay tin làng bè phía trên nguồn xuất hiện cá chết hàng loạt, 1 kỹ sư thủy sản đã rời nhà ở xã kế cận để hỗ trợ bà con. Trong lúc đang loay hoay thì được tin người mẹ ruột bị ngất phải chở cấp cứu vì 50 tấn cá nuôi bè nhà chết hết”.
Hàng trăm hộ mất Tết
Theo lời anh Huỳnh Văn Lâm - chủ 3 bè cá he xã Phú Thạnh (Phú Tân) - mấy ngày trước, thương lái đến đặt cọc cá he với giá 45-46 ngàn đồng/kg. Với sản lượng khoảng 30 tấn, Tết này gia đình anh Lâm cầm chắc bạc tỷ. Thế nhưng chỉ sau 1 đêm, món tiền bạc tỷ ấy đối mặt với nguy cơ tan thành bọt nước. Chỉ vài giờ đồng hồ xuất hiện dòng nước có “màn màn” trên mặt, cá trong bè đua nhau chết.
Tuy may mắn di dời được 1 bè cá đến nhánh chính của sông Tiền, nhưng vẫn có 20 tấn cá bị chết. Dù chỉ bán được với giá 5.000 đồng/kg, nhưng anh Lâm được cho là may mắn vì nhiều chủ bè phát hiện trễ, cá chết lâu, kêu bán 500đ/kg vẫn không có người mua, thậm chí phải tốn công thuê người vớt bỏ, thua lỗ lên đến hàng tỷ đồng. Như anh Huỳnh Văn Hiên (Phú Lâm) có 9 bè cá he chết 70%, thiệt hại lên đến 5 tỷ đồng. Tuy nhiên cả trường hợp “may mắn” như anh Lâm lẫn trường hợp kém may mắn như anh Hiên đều có cùng cảnh ngộ: “mất” Tết. Bởi ngoài nỗi buồn do thiệt hại, gần như cả nhả phải dồn sức cứu lấy số cá còn lại.
Do xác cá chết nổi đầy mặt sông nên ngoài việc liên tục đẩy, vớt để ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước, các chủ bè phải túc trực máy bơm ô xy trong bè theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. “Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện tượng cá chết hàng loạt là do thiếu oxy cục bộ, lương ôxy hòa tan chỉ đạt 1,4 mg/1 lít, trong khi đó tiêu chuẩn để cá trắng phát triển bình thường là là 4 mg/1 lít”, ThS Thư cho biết thêm: “Sau khi phát động chiến dịch thu mua xác cá với giá 1.000đ/kg để chở đến nơi tiêu hủy, đã cơ bản giảm hiện tượng vứt xác cá ra sông”.
Tuy nhiên, theo ThS Thư, điều đáng lo hơn là hiện tượng cá chết không phải do “thiên tai” mà nhiều khả năng do “nhân tai” gây ra. “Qua kiểm tra khu vực bè phía trên nguồn giáp địa bàn xã Long Hòa, nơi xuất phát hiện tượng cá chết, cá vẫn phát triển bình thường, điều này cho thấy, khả năng nguyên nhân chủ yếu của nạn cá chết là do ô nhiễm nguồn nước tại chỗ”, ThS Thư thận trọng: “Chúng tôi đang tiến hành làm các công việc cần thiết trước khi đưa ra kết luận chính xác”.
Clip cá chết
Cá chết trôi trên sông
Phát biểu của ông Đỗ Trung Lai
Phát biểu của ThS Trần Anh Thư, GĐ Sở NNPTNT An Giang
Cá he trong bè của anh Huỳnh Văn Lâm chết đồng loạt.
Cũng như nhiều gia đình ngư dân trên đoạn sông Cái Vừng, gia đình anh Lâm sẽ mất tết vì phải "tả xung, hữu đột" với việc cứu cá
Di chuyển bè cá ra khỏi khu vực ô nhiễm.
Với lượng xác cá trên sông thế này, các chủ bè sẽ phải tốn nhiều công sức đầy đuổi để bảo vệ số cá còn lại.
Theo Lao động
Phân phối sản phẩm bã hèm bia 50% đạm, liên hệ Tell : 0946.705.238 nhận giá tốt nhất. Hoa hồng cao cho người giới thiệu. Ngoài ra : + NLTA cho gia súc-gia cầm: Bã Hèm Bia, Bột Xương Thịt, Cám bắp, Bã nành,DDGS, bã đậu phộng,... + NLTA cho thủy sản: Bột đầu tôm, bột cá 45% - 65% đạm, bột gan mực, bột huyết, bột vỏ cua.... |