Vào tháng 2-2013, Công ty Viễn Phú xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Anh với thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa, một thương hiệu riêng đạt chứng nhận hữu cơ theo quy định của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (United State Department of Agriculture - USDA) do tổ chức Control Union cấp. Sau thị trường Anh, công ty tiếp tục xuất hàng sang Singapore, Nga và Canada, theo chia sẻ của ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú.
Ông Khải cho biết nhu cầu đối với gạo hữu cơ trên thị trường thế giới là rất lớn. Viễn Phú cũng đã nhận được đơn hàng từ Mỹ, nhưng rất tiếc phải từ chối vì không đủ sản lượng cung cấp đều đặn cho khách hàng.
Một bài học xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế mà ông Khải rút ra, đó là chỉ với chất lượng hàng hóa - dù xuất sắc - vẫn là không đủ. “Bạn không thể bán hàng cho đối tác và hẹn sáu tháng sau cho đơn hàng thứ hai. Sản lượng của bạn phải đủ lớn và đều đặn để đảm bảo cung cấp cho khách hàng. Nhưng để có sản lượng lớn và đều đặn, bạn cần phải mở rộng sản xuất. Khó khăn của chúng tôi là thiếu tiềm lực tài chính để mở rộng sản xuất”, ông Khải chia sẻ.
Ông Khải kể công ty ông đã đầu tư hơn 70 tỉ đồng (tất cả đều là nguồn vốn từ tích lũy cá nhân của ông và vay mượn bạn bè, người thân) để xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất gạo hữu cơ trên mảnh đất 320 héc ta ở vùng đất nguyên sơ U Minh Hạ - Cà Mau, từ cải tạo đất, dẫn đường, làm hệ thống thủy lợi, xây dựng nhà máy chế biến, đóng gói... Tuy nhiên, dự án đầu tư này đã không thể khai thác toàn bộ 100% công suất. Bài toán kinh tế không còn tối ưu. Sản lượng làm ra đem về khoản lợi nhuận chỉ đủ để trang trải những khoản vay từ bạn bè. Ông Khải ví von: “Viễn Phú đã dốc tiền làm một cái xe thật “xịn”, chạy thử ngon lành, được kiểm định và chứng nhận bởi các tiêu chuẩn cao nhất của thế giới, nhưng lại hết tiền để mua nhiên liệu cho chiếc xe về đích”.
Nhìn một người có quá khứ lăn lộn hơn 20 năm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu như ông Khải, không ít người đã ngạc nhiên khi thấy ông bị kẹt trong bài toán tài chính như vậy. Về phần mình, ông Khải cho rằng ông đã quá chủ quan khi đặt lòng tin trong một thời gian dài vào các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Nhà nước - vốn dĩ vẫn cứ nằm ở trên giấy. “Các nghị định hỗ trợ cho vay sản xuất nông nghiệp rất nhiều, nhưng khi tôi đi vay ngân hàng với tài sản thế chấp là mảnh đất 320 héc ta và toàn bộ cơ sở hạ tầng của mình thì vẫn cứ bị từ chối. Họ cho rằng đất nông nghiệp rất rủi ro”, ông kể.
Ông Khải chia sẻ thêm, về lý thuyết, tài sản là nhà máy, nhà xưởng, nhà kho hoàn toàn có thể thế chấp để vay vốn, nhưng từ lý thuyết đến thực tế vẫn là một khoảng cách xa. Nghe đến nông nghiệp, người ta đã bỏ chạy, chứ chưa nói đến làm nông nghiệp hữu cơ. Ông Khải lo lắng cho đến cuối năm nay mà vẫn không gọi được vốn thì rất có thể công ty Viễn Phú sẽ phải đóng cửa nhà máy, kết thúc hành trình sáu năm xây dựng một thương hiệu gạo đẳng cấp cho Việt Nam.
Nhìn lại quãng thời gian thăng trầm đã qua, từ một mảnh đất nhiễm phèn nặng, đến nay, ngay cả con cá cũng được chứng nhận thực phẩm hữu cơ, vị giám đốc của Công ty Viễn Phú cho biết điều làm ông thấy ấm lòng nhất là công ty đã làm ra được sản phẩm có chất lượng được công nhận để có thể “ngồi chung mâm” với những quốc gia hàng đầu trên thế giới. Sản phẩm cũng đã nhận được sự chia sẻ của người tiêu dùng trong nước, dù chỉ là một cộng đồng rất nhỏ.
Điều buồn nhất đối với ông nằm ở “câu chuyện vĩ mô”, khi Nhà nước chưa có những chính sách rõ ràng thể hiện quyết tâm khuyến khích nông nghiệp hữu cơ phát triển. Ông thấy day dứt khi ai cũng bức xúc với thực phẩm bẩn, ai cũng lên án chất cấm, chất độc hại; các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguyên nhân chính của các căn bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch đến từ thực phẩm và môi trường - ai cũng biết, nhưng nghịch lý là thực phẩm bẩn thì cứ ngày càng tràn lan, còn những người làm nông nghiệp hữu cơ thì không có đất sống.
Ông Khải chia sẻ suy nghĩ: “Qua cửa tử là cửa sinh. Đất lành thì chim đậu. Niềm đam mê dành cho gạo hữu cơ trong tôi vẫn cháy bỏng. Tôi sẽ đi tìm một phương trời mới, nơi những giá trị tôi làm ra thật sự được ghi nhận và ủng hộ”.
Lời nhắn nhủ đối với những người trẻ
Trong làn sóng bức xúc đối với thực phẩm bẩn, một số bạn trẻ đã bắt tay vào làm nông nghiệp hữu cơ, từ kinh nghiệm của người trước ông Khải có lời nhắn nhủ:
“Bạn làm nông nghiệp hữu cơ cho bản thân, cho gia đình và người thân thì không sao. Nhưng một khi xác định làm để kinh doanh thì phải nhìn vào thực tế. Kinh doanh thì cần thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt trong nông nghiệp hữu cơ, là chuyện dài hơi năm năm, 10 năm, thậm chí nhiều hơn. Thực tế là chúng ta không có những chính sách khuyến khích sản xuất hữu cơ nên rất khó thu hút vốn đầu tư để mở rộng sản xuất. Khó mở rộng sản xuất thì chi phí sản xuất cao.
Để đạt chứng nhận hữu cơ, bạn phải trả chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng cho các tổ chức quốc tế, bởi Việt Nam chưa cấp chứng nhận này. Khi đó, áp lực kinh tế càng cao và bạn rất dễ rơi vào việc lập lờ sản phẩm hữu cơ có chứng nhận với các sản phẩm khác. Ai đã từng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đều hiểu cái ranh giới mong manh nhưng nguy hiểm này. Khi khách hàng trả tiền cao để mua sản phẩm, thật sự họ đang mua niềm tin, mua sức khỏe. Nếu chúng ta lừa khách hàng, dù là bán sản phẩm an toàn, thì đó cũng là một hình thức khác của tội ác, của sự lừa dối, vô đạo đức trong kinh doanh”.
Đức Tâm (thesaigontimes.vn)