Cho đến thời điểm này, vẫn còn tồn tại những tranh cãi xung quanh việc để ngành phân bón bát nháo như hiện nay lỗi do Bộ Công thương hay do Bộ NN-PTNT?
Khi hai Thông tư hướng dẫn Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón do Bộ Công thương soạn thảo trình Chính phủ ban hành chưa có hiệu lực ở hầu hết mọi điều khoản, thì thời gian gần đây, một loạt doanh nghiệp, nhà quản lý và Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã đồng loạt kiến nghị sửa đổi.
Lý do gì khiến một Nghị định được kỳ vọng như 202 lại có tuổi thọ ngắn ngủi đến như vậy?
Sửa càng rối thêm
Nhắc lại bối cảnh ra đời Nghị định 202. Theo đó, khi Nghị định 113/2003/NĐ-CP ban hành ngày 7/10/2013 và Nghị định 191/2007/NĐ-CP ngày 31/12/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 113 về quản lý phân bón bộc lộ những bất cập, không theo kịp xu thế phát triển, tại một buổi làm việc với Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải quyết định giao Bộ Công thương chủ trì soạn thảo, xây dựng Nghị định 202 về quản lý phân bón thay thế cho Nghị định 191 (trước đây do Bộ NN-PTNT chủ trì xây dựng soạn thảo).
Một trong những điểm thay đổi cơ bản của Nghị định 202 so với 113 và 191 là việc Bộ Công thương sẽ là đơn vị chính chịu trách nhiệm quản lý phân bón vô cơ, Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm quản lý phân hữu cơ và phân bón khác (trước đây cả 2 Bộ đều quản).
Thứ hai, chuyển phân bón từ mặt hàng sản xuất kinh doanh không điều kiện sang có điều kiện và cuối cùng là chuyển quản lý phân bón từ danh mục sang Quy chuẩn tiêu chuẩn.
Để Nghị định 202 đi vào đời sống (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2014), mãi đến ngày 30/9/2014, Bộ Công thương mới ban hành Thông tư hướng dẫn số 29/2014/TT-BCT quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác còn Bộ NN-PTNT đến ngày 13/11/2014 ban hành Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ NN-PTNT.
Chia sẻ tại hội thảo quốc gia về phân bón mới đây tại Hà Nội, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Nguyễn Văn Cẩn công bố con số giật mình: Mấy năm gần đây, số lượng bắt giữ của lực lượng chức năng liên quan tới phân bón lên tới 4.000 vụ, nhưng chỉ khởi tố chỉ được 10vụ do thực trạng quản lý và văn bản quy phạm pháp luật về phân bón chồng chéo. Bên cạnh đó, hiện cả nước có tới 16.000 cơ sở, doanh nghiệp vừa kinh doanh vừa sản xuất phân bón, trong đó có trên 700 doanh nghiệp sản xuất, trong khi lực lượng chuyên ngành bình quân một năm mới thanh tra kiểm tra được 4 doanh nghiệp và 7 tỉnh, thành là quá ít ỏi.
Cho đến thời điểm này, chưa kiểm chứng được Nghị định 202 có quản lý phân bón được tốt hơn các Nghị định trước hay không, song có một thực tế là bản thân các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đều đang vã mồ hôi hột vắt chân lên cổ chạy đôn chạy đáo lo lót các giấy tờ, thủ tục phù hợp với các quy định mới cho kịp tiến độ, tốn không biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc.
Trước sự chậm trễ trong việc tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn, hợp quy của các Sở Công thương tỉnh, thành phố trong khi lực lượng Quản lý Thị trường các cấp cũng của Bộ Công thương lại liên tục xử phạt doanh nghiệp vì thiếu hợp chuẩn, hợp quy trên bao bì (do đã in từ trước khi Thông tư 29 có hiệu lực), ngày 14/7/2015, chính Bộ Công thương đã phải ban hành Công văn 7077/BCT-HC gửi các Sở Công thương tỉnh, thành phố đề nghị gia hạn cho các doanh nghiệp được sử dụng bao bì chưa có dấu hợp quy đến hết thời hạn sử dụng.
Trong khi Nghị định 202 chưa chứng minh được sự triệt để, uy lực của mình thì theo số liệu công bố mới nhất của Hiệp hội Phân bón Việt Nam: Từ cuối năm 2013 đến nay, số lượng cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón đã tăng từ 500 lên thành hơn 700, trong đó, riêng TP.HCM đã chiếm tới 491 cơ sở. Đây có thể chính là cái nôi của phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nhái nhãn mác gây ô nhiễm môi trường.
Hãy vì đại cục!
Cho đến thời điểm này, vẫn còn tồn tại những tranh cãi xung quanh việc để ngành phân bón bát nháo như hiện nay lỗi do Bộ Công thương hay do Bộ NN-PTNT? Nếu như trước đây, các nhà quản lý cho rằng, vì không có đơn vị cao nhất đứng ra chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân về ngành phân bón nên thị trường mới bát nháo như vậy, nay Bộ Công thương chính thức được Chính phủ giao trọng trách là đầu mối quản lý Nhà nước về phân bón, song thực tế cho thấy ngành phân bón còn bất cập hơn.
Thực ra, việc các doanh nghiệp, Hiệp hội và nhà quản lý kiến nghị sửa đổi một số điều Nghị định 202 đã được chúng tôi nhìn thấy từ khi Cục Hóa chất (Bộ Công thương) đang trong quá trình lấy ý kiến xây dựng, soạn thảo.
Được biết, hiện một số Sở Công thương đang tiến hành tuyển nhân sự chuyên trách về phân bón, nhưng ngành này phức tạp, đòi hỏi cán bộ phải có kinh nghiệm quản lý, kiến thức chuyên sâu về thổ nhưỡng, nông hóa nên sinh viên mới ra trường khó đáp ứng được áp lực.
Vì vậy, nhiều tỉnh, thành, ngành Công thương đang tuyển cán bộ chuyên trách phân bón của ngành Nông nghiệp sang, một hành động chẳng khác nào “đánh bùn sang ao”.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) lúc bấy giờ, giao Bộ Công thương hay Bộ NN-PTNT là đơn vị cao nhất chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân về quản lý ngành phân bón không quan trọng, bởi cả hai Bộ đều là đơn vị giúp việc cho Chính phủ quản lý tốt nhất lĩnh vực mình được phân công, giao phó. Quan trọng là quản lí như thế nào và có nhân lực để quản lý hay không?
Nhưng, phân bón là một ngành rất đặc thù và không hề dễ quản lý một chút nào. Phải khẳng định, cán bộ trồng trọt ngành nông nghiệp không thể giỏi về nhà máy, hóa chất, vật lý như cán bộ hóa chất của ngành công thương và ngược lại, cán bộ hóa chất ngành công thương không thể hiểu sâu về dinh dưỡng, sinh lý cây trồng, thổ nhưỡng bằng cán bộ trồng trọt của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, mọi khiếm khuyết, hạn chế về mặt chuyên môn này đều có thể khỏa lấp, nếu trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chuyên viên, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành được giao nhiệm vụ đều lấy công tác quản lý phân bón được tốt hơn làm “đại cục” (tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, song xử phạt thật nghiêm minh đơn vị làm ăn gian lận, sai phạm) thay vì quản lý được nhiều hơn kiểu “đông con lắm lộc” như hiện nay thì Bộ, ngành nào quản phân bón không còn quan trọng nữa.
Thực tế, mặc dù lĩnh vực phân bón vô cơ hiện đã giao lại toàn bộ cho ngành Công thương quản lý (chiếm tới 90%tổng sản lượng trên 10 triệu tấn phân bón Việt Nam/năm), song có một thực tế đáng buồn là tại các Sở Công thương hiện nay không có cán bộ chuyên trách về phân bón, mọi nhiệm vụ quản lý, thanh kiểm tra phân bón vô cơ trên thị trường hiện nay đều do lực lượng Quản lý Thị trường các cấp chịu trách nhiệm chính, trong khi đơn vị này còn phải quản lý hàng nghìn mặt hàng tiêu dùng khác và cũng chỉ quản lý được hàng hóa khi đã lưu thông trên thị trường.
Trong khi đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành Sở NN-PTNT tại các tỉnh, thành giờ không được phép thanh, kiểm tra, lấy mẫu, xử phạt các cửa hàng, đại lý, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân vô cơ nữa. Vậy là từ khi Nghị định 202 ra đời và có hiệu lực đến nay, lĩnh vực quản lý sản xuất phân bón vô cơ gần như bị bỏ ngỏ.
Mặc dù lĩnh vực phân vô cơ hiện nay do ngành Công thương quản lý, nhưng theo chia sẻ của Phó Chủ tịch kiểm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Hạc Thúy, cho biết: Mỗi khi các cơ quan, ban ngành của Trung ương hay Hiệp hội đề nghị các địa phương báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh, thành thì phần lớn vẫn do các Sở NN-PTNT báo cáo.
Nguyên Huân (nongnghiep.vn)
Công ty Thiên Khôn phú chúng tôi chuyên cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như:bã hèm bia,bột xương thịt,bã nành,bột cá,cám dừa,cám bắp,bã đậu phộng, bột đầu tôm, bột lông vũ,...
Quý khách nào có nhu cầu sử dụng hoặc cần biết thêm thông tin về sản phẩm vui lòng liên hệ 0946.888.249 gặp Thảo