Đánh bắt hải sản trên biển góp phần giữ gìn biển đảo của Tổ quốc. Ảnh: Đình Hòa
Hoạt động khai thác hải sản được chia theo 3 tuyến chính là tuyến bờ, tuyến lộng và tuyến khơi, Phan Thiết bước đầu đã phát huy hiệu quả mô hình khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần, thu mua, sơ chế, bảo quản sản phẩm trên biển, xây dựng mô hình tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển với sự tham gia của hơn 890 thuyền công suất lớn với 130 tổ.
Đây là mô hình hợp tác giúp đỡ nhau trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản và hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố trên biển, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển.
Để hoạt động của tổ đoàn kết khai thác trên biển thêm hiệu quả, Hội Nông dân thành phố Phan Thiết đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan tăng cường các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ ngư dân trong phát triển nghề cá bằng các chương trình phối hợp khuyến ngư, hỗ trợ vay vốn tín dụng, vốn quỹ hỗ trợ nông dân, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng hiệu quả vào sản xuất và khai thác thủy sản. Về hoạt động hỗ trợ cho ngư dân tiếp cận chính sách phát triển thủy sản, đến nay trên địa bàn thành phố Phan Thiết có 7 tàu cá đã hoàn thành việc đóng mới, nâng cấp và đưa vào sử dụng, 10 trường hợp đang triển khai thực hiện đóng mới, nâng cấp. Hỗ trợ theo Quyết định 48 của Chính phủ, thành phố Phan Thiết có 115 trường hợp đăng ký tham gia, bình quân hàng năm UBND tỉnh quyết định hỗ trợ chi phí nhiên liệu, bảo hiểm, máy bộ đàm cho các chủ phương tiện tham gia khai thác tại các vùng biển xa trên địa bàn thành phố Phan Thiết với số tiền từ 2,5 - 3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân thành phố Phan Thiết luôn phát huy trách nhiệm, chủ động phối hợp với các ngành chức năng và Bộ đội Biên phòng đóng trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về biên giới biển, về khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. Tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, không đánh bắt, khai thác hải sản bằng chất nổ, xung điện, pha xúc… Đồng thời tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đã góp phần giúp làm ngư dân nắm chắc hơn tình hình, nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Từ đó tạo ý thức chấp hành pháp luật về biên giới biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển. Bên cạnh đó, ngư dân còn được trao đổi thông tin, phối hợp giữa các ngành chức năng và Bộ đội Biên phòng khi tổ chức, hướng dẫn cho tổ chức hoặc cá nhân hoạt động ra vào khu vực biên giới biển. Điển hình là phối hợp vận động và tổ chức ngư dân cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Qua đó, ngư dân có tàu công suất lớn khi tham gia khai thác hải sản tại vùng biển xa đã nhận thức đúng đắn, không xâm phạm lãnh hải nước ngoài…
Để phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế về đánh bắt hải sản kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo, Hội Nông dân thành phố Phan Thiết sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Chính phủ, của tỉnh đối với việc vi phạm vùng biển nước ngoài, các khu vực biển được phép khai thác, không được phép khai thác. Có chính sách hỗ trợ phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương để bà con ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, góp phần giữ gìn biển đảo của Tổ quốc…
Thành phố Phan Thiết là một trong 4 trung tâm nghề cá của tỉnh và là một trong những ngư trường lớn của cả nước. Hiện nay năng lực tàu cá trên địa bàn thành phố Phan Thiết là 1.700 chiếc/262.000 cv, bình quân 154,12 cv/chiếc, trong đó có khoảng 885 thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ, làm dịch vụ hậu cần, thu mua, sơ chế sản phẩm trên biển.
T.Quang Báo Bình Thuận