Số vùng rau an toàn trên cả nước vẫn rất ít. |
Thực hành VietGap rất hiếm
Trong chuỗi sản xuất thực phẩm, bắt đầu từ khi nông sản là cây, con được nuôi trồng cho đến lúc thu hoạch, giết mổ, chế biến, và sau đó được nằm trên bàn ăn, thực phẩm phải đi qua rất nhiều khâu, từ khâu sản xuất, chăm bón rồi đến thu hoạch, vận chuyển và cuối cùng là tiêu thụ.
Qua mỗi khâu, thực phẩm lại trải qua một kênh mà chưa chắc ở đó đã đảm bảo không nhiễm khuẩn. Bởi vậy, theo nhận định của giới chuyên gia: Muốn một sản phẩm thực phẩm đến tay người tiêu dùng là thực phẩm sạch, phải đảm bảo được cả một chuỗi, dây chuyền sản xuất – tiêu thụ đó là sạch. Chỉ một khâu bị “dính bẩn”, thì coi như sản phẩm đó đã nhiễm bẩn.
Thế nhưng theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Các siêu thị Hà Nội, hiện nay cơ quan quản lý mới chỉ tập trung kiểm tra kiểm soát khâu phân phối mà không để ý nhiều đến khâu sản xuất. Trong khi, quá trình sản xuất, chế biến mới là quá trình ẩn chứa nhiều nguy cơ nhiễm bẩn nhất thì lại không được chú trọng. “Nếu chỉ kiểm soát khâu cuối cùng (khâu phân phối, tiêu thụ) nghĩa là khi sản phẩm đã được đóng gói chờ bán đến tay người tiêu dùng, thì nhà quản lý mới chỉ kiểm soát được phần ngọn. Gốc là nơi sản xuất lại bị bỏ qua” – ông Phú nhận định và nhấn mạnh “Cần phải làm tốt đồng bộ và liên tục từng khâu, không bỏ qua khâu nào, đặc biệt là khâu sản xuất”.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam đã có những mô hình sản xuất rau quả, thực phẩm sạch, an toàn theo đúng tiêu chuẩn GAP, nhưng chưa có mô hình sản xuất toàn bộ từ A đến Z bảo đảm tính an toàn vệ sinh của cả dây chuyền sản xuất thực phẩm, và đây chính là lý do khiến cho vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam chưa được xử lý rốt ráo.
Nhiều năm nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đã chú trọng hơn vào mô hình trồng trọt chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap (thực hành nông nghiệp tốt), tuy nhiên, theo giới chuyên gia ngành nông nghiệp, trên thực tế, số hộ nông dân làm VietGap không nhiều, số nông dân được tập huấn về qui trình nông nghiệp tốt GAP cũng hãn hữu. Nông dân chủ yếu vẫn chăn nuôi, trồng trọt theo phương thức cũ, nhỏ lẻ, manh mún…
Theo con số khảo sát của ngành nông nghiệp, trong tổng số khoảng 767.000 ha cây ăn quả và gần 636.000 ha rau của cả nước hiện nay, vùng sản xuất được công nhận là vùng an toàn vẫn còn rất ít. Tại Hà Nội, trong hơn 5.100ha đủ điều kiện chứng nhận an toàn thực phẩm trong sản xuất của Hà Nội mới có 352ha rau canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và trên 40ha rau hữu cơ.
Khó tìm đầu ra
Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, song một trong những lý do chính là nông dân ngại thay đổi tập quán canh tác, trong khi bộ tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi rất cao, từ các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật trong khâu trồng trọt, sản xuất cho đến thu hoạch, quản lý dịch bệnh đều phải đòi hỏi rất khắt khe. Điều này khiến các hộ nông dân, vốn vẫn quen sản xuất theo kiểu “có gì làm nấy” cảm thấy e ngại.
Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhiều hộ nông dân, ngay cả khi đã thực hành trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap thì việc tiêu thụ, tìm đầu ra lại khó khăn nên khiến bà con nông dân cảm thấy nản. Chia sẻ của một hộ nông dân trồng rau ở Đông Anh (Hà Nội), trồng rau theo quy chuẩn VietGap phải tuân thủ nhiều quy định, kỳ công nhưng đến khi thu hoạch, bán giá không cao hơn rau sản xuất kiểu đại trà, mà lại còn khó tìm đầu ra nên nhiều hộ dân mới thấy nản.
Theo giới chuyên gia ngành an toàn thực phẩm, để “tiêu diệt” được vấn nạn thực phẩm bẩn, quan trọng nhất là phải hướng được người nông dân – nhà sản xuất đến thực hành nông nghiệp tốt (chăn nuôi, trồng trọt theo quy trình VietGap), vì chỉ khi sản xuất sạch thì mới hy vọng các khâu sau đảm bảo sạch. Tuy nhiên, để hướng người dân đến mục tiêu này, nhà nước cần có nhiều hỗ trợ hơn nữa trong việc đào tạo, phổ biến các phương pháp thực hiện cũng như tìm đầu ra cho các sản phẩm VietGap.
Theo Đại đoàn kết
Quảng cáo: chuyên cung cấp bột cá 45% đạm dùng làm nguyên liệu thức ăn hoặc nguyên liệu sản xuất phân bón (giá 5.100đ/kg); Liên hệ: 094.82.222.17