Thông tin thị trường

Vụ nuôi tôm năm 2015 ở hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên): Tăng cường quản lý nhằm hạn chế dịch bệnh

Thứ tư, 04/02/2015 06:03 lượt xem: 1893
Đã qua 1 tháng so với lịch thời vụ, nhưng người nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) vẫn chưa mạnh dạn thả giống do thời tiết không thuận lợi. Ngành Nông nghiệp và các địa phương có nuôi tôm đang tăng cường quản lý vùng nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi.

Tới vụ vẫn chưa thả tôm

Theo Phòng NN&PTNT huyện Đông Hòa, khu vực nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch khoảng 1.200 ha, nhưng đến nay bà con mới chỉ thả nuôi khoảng 50 ha. Do thời tiết lạnh nên người nuôi chưa mạnh dạn thả giống, vì nếu thả giống gặp thời tiết bất lợi sẽ làm giảm sức đề kháng của tôm, dễ xảy ra bệnh dịch. Ông Nguyễn Văn Sang, người nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Nam, cho biết: “Năm nay tôi dự kiến nuôi trên diện tích khoảng 4.000 m2. Hiện hồ nuôi cải tạo xong, tôi liên hệ với các trại giống nắm giá cả và dự kiến số lượng nuôi. Tuy nhiên, do thời tiết chưa ổn định nên tôi chưa dám thả nuôi. Từ nay đến Tết Nguyên đán, nếu thời tiết nắng ấm, không chỉ gia đình tôi mà nhiều người nuôi ở khu vực này sẽ thả giống”. Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm, cho hay: “Diện tích nuôi tôm nước lợ của xã khoảng 500 ha, đến nay số diện tích thả nuôi tôm vụ mới không đáng kể. Hiện người nuôi tôm trong xã tập trung cải tạo hồ nuôi và chờ thời tiết thuận lợi sẽ thả giống. UBND xã đã cử cán bộ hướng dẫn người nuôi tập trung thả tôm giống đúng lịch thời vụ mà Sở NN&PTNT ban hành. Đồng thời, xã khuyến cáo người dân làm kỹ khâu cải tạo hồ nuôi và lựa chọn con giống ở những trại tôm có uy tín, tránh tình trạng mua con giống trôi nổi trên thị trường”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Đông Hòa, mấy năm gần đây ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch thường xuyên xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi. Nguyên nhân đa số là do thời tiết biến đổi bất thường, một số hộ nuôi không đảm bảo kỹ thuật trong khâu vệ sinh ao hồ, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa phù hợp, người nuôi tôm chưa chấp hành quy chế vùng nuôi, thả nuôi chưa đồng bộ nên dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Chất lượng con giống trong nhiều năm nay không được kiểm soát chặt chẽ, người nuôi chủ yếu lựa chọn những trại tôm giống có uy tín trên thị trường, chứ không thể biết nguồn giống tôm mình mua có sạch bệnh hay không. Theo ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hòa, để hạn chế bệnh, dịch xảy ra trên tôm nuôi tại địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có nuôi tôm thực hiện tốt khâu quản lý vùng nuôi. UBND huyện cũng chỉ đạo tăng cường quản lý chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Các xã có nuôi tôm triển khai các mô hình sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, nuôi đa loài luân canh, xen canh, nuôi kết hợp nhiều loài theo hướng xử lý môi trường bằng sinh học, thành lập các tổ cộng đồng phù hợp theo từng vùng nuôi theo hướng bền vững. Huyện Đông Hòa tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng những điểm nuôi công nghiệp, những nơi có điều kiện.

 

Thả tôm đúng thời vụ, mật độ

Sở NN&PTNT đã ban hành lịch thời vụ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 11/2014. Theo đó, tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch, đối với tôm thẻ chân trắng bắt đầu thả nuôi từ tháng 1/2015, với mật độ từ 40 đến 60 con/m2, một năm chỉ nuôi 2 vụ (vụ 2 bắt đầu từ tháng 5/2015). Tôm sú bắt đầu thả nuôi từ tháng 3/2015, mật độ từ 15 đến 20 con/m2, một năm chỉ nuôi 1 vụ. Sau khi kết thúc vụ nuôi tôm, những vùng nuôi 1 vụ thì thời gian còn lại trong năm có thể thả nuôi luân canh các đối tượng thủy sản khác như cá rô phi đơn tính, cá măng, hải sâm, rong câu, cua biển… để cải tạo ao nuôi. Các vùng nuôi có hồ đáy bùn thì khuyến khích nuôi ghép tôm nước lợ với cá rô phi, rong biển, cua xanh. Những hồ nuôi khi tôm bị bệnh thì phải xử lý kỹ trước khi thả nuôi lại và thời gian xử lý ít nhất 1 tháng.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Năm 2014, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến rất phức tạp, lượng mưa ít, chưa có lụt lớn nên các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh chưa được rửa trôi các chất cặn bã. Dự báo vụ nuôi tôm năm 2015 sẽ gặp không ít khó khăn nên các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp chỉ đạo và hướng dẫn các hộ nuôi tôm cải tạo thật kỹ hồ nuôi, vùng nuôi, chọn con giống sạch bệnh và tốt, thả nuôi đúng lịch thời vụ. Các địa phương theo dõi chặt chẽ vụ nuôi, kịp thời đưa ra những cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh. Đề nghị các đơn vị thuộc sở và các địa phương có nuôi tôm thông báo lịch thời vụ năm 2015 cho bà con nuôi tôm biết, kiểm tra và xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh cung ứng tôm giống trước lịch thời vụ, tôm giống không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch; chủ động xây dựng phương án phòng, chống bệnh, dịch trên tôm nuôi. Đối với các hộ nuôi, khi phát hiện tôm nuôi có dấu hiệu bất thường, cần phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu tôm nuôi bị bệnh, chết, tuyệt đối không được tự ý xả thải và tôm chết ra môi trường khi chưa được xử lý. Người nuôi cần theo dõi thời tiết để có kế hoạch thả tôm giống, điều tiết môi trường hồ nuôi cho phù hợp.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch