XK tôm trong tháng 4 đạt 240 triệu USD, tương đương với giá trị của tháng 3 và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tỷ trọng của tôm sú đang tăng dần lên: từ 32,5% với 78 triệu USD trong tháng 3 lên 33,5% với 80 triệu USD trong tháng 4. Trong khi đó, tôm chân trắng từ 58,8% với 142 triệu USD giảm xuống 57,8% với 139 triệu USD.
Tổng giá trị XK tôm 4 tháng đầu năm đạt 859 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm sú 294 triệu USD, tăng gần 12%, tôm chân trắng đạt 493 triệu USD, tăng 7,2%.
Nắng nóng và xâm ngập mặn ảnh hưởng mạnh đến sản xuất tôm nguyên liệu, trong đó, diện tích và sản lượng tôm chân trắng bị ảnh hưởng mạnh, trong khi tôm sú có cơ hội tăng vị thế vì sản lượng tăng. Ngoài ra, XK tôm sú tươi sang Trung Quốc được khôi phục cũng là nguyên nhân đẩy giá trị XK sang thị trường này tăng mạnh. Trung Quốc chiếm 12% tỷ trọng XK tôm của Việt Nam, riêng tôm sú chiếm 31% tỷ trọng. Thị trường tiêu thụ tôm sú lớn thứ 2 là Mỹ, chiếm 18% tỷ trọng. XK tôm sú Việt Nam sang thị trường Mỹ đang thuận lợi, nhất là tôm sú vỏ, vì có lợi thế hơn về nguồn cung so với các nước đối thủ.
Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, diện tích thả nuôi tôm sú của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 520.342 ha, tăng 1,59% so với cùng kỳ năm 2015, sản lượng ước đạt 53.776 tấn tăng 4,3%. Diện tích thả nuôi tôm chân trắng ước đạt 19.800 ha (-7,69%), sản lượng ước đạt 30.604 tấn (-4,67%).
XK cá tra có dấu hiệu tích cực với mức tăng trưởng 13% trong tháng 4, đạt 142 triệu USD, sau khi giảm gần 3% trong tháng 3 với 128 triệu USD. XK sang các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Mexico tăng mạnh (tăng lần lượt 17%, 94%, 57% và 86%), trong khi XK sang EU và ASEAN giảm 9% và 12%.
Tổng XK cá tra 4 tháng đầu năm đạt 507,5 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK sang Brazil tăng mạnh nhất (+274%), Trung Quốc tăng 61% và Mỹ tăng 7%. XK cá tra sang Brazil bị đình trệ từ quý IV/2014 đến hết quý I/2015 do việc tạm ngừng cấp phép của chính phủ nước này. Tuy nhiên, từ quý II/2015 đến nay đã trở lại bình thường, do vậy XK sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm nay tăng mạnh so với năm 2015.
XK cá tra sang Mỹ tăng có thể do giá trung bình XK tăng trước tác động của quyết định cuối cùng của USDA về thanh tra cá tra, cá da trơn. Quy định mới của USDA gây ra một số bất ổn cho nhà XK và NK cá tra. Thời hạn quá ngắn để thực hiện tất cả các thủ tục. Nếu thực hiện như dự kiến, có thể sẽ làm giảm nguồn cung do số công ty tham gia XK giảm đi và người mua phải chịu giá tăng do chi phí phát sinh thêm.
Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, sản lượng thu hoạch cá tra 4 tháng đầu năm 2016 của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 281.500 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ. Trong đó các tỉnh có diện tích và sản lượng lớn lại có xu hướng giảm nhiều hơn cả, cụ thể: Vĩnh Long 25.785 tấn (-14%), Đồng Tháp 90.000 tấn (-5%), An Giang 65.485 tấn (-16%). Nguy cơ thiếu cung có thể sẽ tác động đẩy giá cá tra XK tăng trong những tháng tới và gây lo ngại cho các nhà NK tại các thị trường.
XK cá ngừ trong tháng 4 cũng có tín hiệu tốt vì đã có tăng trưởng dương 2,5% và đáng chú ý là sản phẩm cá ngừ đông lạnh nguyên liệu (mã HS 03) đang phục hồi tốt (tăng 14%). Trong khi XK cá ngừ chế biến, mã HS16 có xu hướng giảm (-11%). XK cá ngừ sang hầu hết các thị trường chính tăng mạnh: ASEAN tăng 79%, Trung Quốc tăng 72%, Mexico tăng 132%, EU gần 3%. Trong khi XK sang Mỹ giảm 1,5% và Nhật Bản giảm gần 20%.
Tổng XK cá ngừ 4 tháng đầu năm đạt 141 triệu USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó cá ngừ chế biến và đóng hộp giảm 21% đạt 55,5 triệu USD, cá ngừ đông lạnh đạt 85 triệu USD, tăng 13,7%.
Mỹ - thị trường NK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam năm nay tăng NK cá ngừ đông lạnh mã HS03 (chiếm 70% giá trị NK các sản phâm cá ngừ Việt Nam). Trung Quốc năm nay cũng nổi lên là thị trường NK cá ngừ tiềm năng với 95% là cá ngừ đông lạnh. Vừa dẫn đầu về NK cá ngừ đông lạnh, Mỹ cũng dẫn đầu về NK cá ngừ hộp và chế biến khác (mã HS16), tiếp đến là Thái Lan với giá trị cá ngừ hộp chiếm tới 95%.
Đối với các mặt hàng hải sản khác, trừ cua ghẹ đạt tăng trưởng 10,4%, XK mực, bạch tuộc và nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm lần lượt 15% và 4% trong tháng 4. Tổng XK mực, bạch tuộc 4 tháng đầu năm giảm gần 9% đạt 112 triệu USD, trong khi nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 26,6 triệu USD, tăng gần 5%. Nhật Bản là thị trường NK nhiều nhất sản phẩm mực của Việt Nam, trong khi Hàn Quốc là thị trường lớn nhất tiêu thụ sản phẩm bạch tuộc. Tuy nhiên, XK sang 2 thị trường chính này đều giảm trong tháng 4 (giảm lần lượt 16,3% và 0,1% so với cùng kỳ); XK trong 4 tháng cũng giảm lần lượt 13,5% và 1,6%.
Dự báo, trong quý II, XK thủy sản của cả nước sẽ đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, chủ yếu nhờ XK tôm dự kiến đạt 788 triệu USD, tăng 10%. Trong quý II, dư âm từ các hội chợ thủy sản quốc tế và giá XK tăng sẽ giữ cho giá trị XK tăng nhẹ so với năm ngoái. Dự báo, quý II/2016, giá trị XK cá tra đạt 401 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. XK cá ngừ có thể tương đương hoặc tăng nhẹ, trong khi mực, bạch tuộc chưa có dấu hiệu hồi phục.
21/05/2016
Lê Hằng
Vasep
Quảng cáo: chuyên cung cấp bột cá 45% đạm dùng làm nguyên liệu thức ăn hoặc nguyên liệu sản xuất phân bón (giá 5.100đ/kg); Liên hệ: 094.82.222.17