Theo quyết định của Chính phủ, 6 Trung tâm Nghề cá lớn được xây dựng từ nay đến năm 2020 sẽ trở thành đầu não cho các ngư trường và vùng nuôi trồng thủy hải sản lớn trên cả nước. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng vẫn vấp phải không ít khó khăn. Trước những vướng mắc trong việc triển khai xây dựng các Trung tâm Nghề cá lớn (TTNCL), ngày 23/11, Bộ NN-PTNT đã có cuộc họp cùng đại diện các Bộ, ngành và địa phương bàn các giải pháp tháo gỡ. Theo Bộ NN-PTNT, Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, cả nước sẽ xây dựng đưa vào vận hành sử dụng 6 TTNCL tại 6 tỉnh gồm Kiên Giang, TP Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, TP Đà Nẵng và TP Hải Phòng. 6 TTNCL tại các tỉnh, TP này không chỉ phục vụ cho nhu cầu của tỉnh, mà còn đóng vai trò toàn diện và đồng bộ hỗ trợ cho hậu cần nghề cá, cũng như công nghiệp chế biến thủy sản cấp vùng, gắn với 5 vùng ngư trường lớn gồm ngư trường Vịnh Bắc Bộ, ngư trường Hoàng Sa, ngư trường Trường Sa, ngư trường Nam Bộ và vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm ĐBSCL. Đau đầu lo kinh phí Cũng trong chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020, ngày 12/11/2015 vừa qua, Chính phủ đã có Quyết định số 1967/QĐ-TTg về việc Phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cho 28 tỉnh, thành phố ven biển. Trong đó có quy định về việc Cảng cá trong TTNCL (cảng cá động lực) phải là cảng cá loại I. Đến nay, Khánh Hòa là tỉnh đầu tiên trong số 6 tỉnh đã được Chính phủ đồng ý cho phép thí điểm triển khai xây dựng TTNCL, được giao toàn bộ vốn, thẩm quyền tư vấn, đầu tư, chỉ định thầu... Tại cuộc họp với Bộ NN-PTNT, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện tỉnh đã cơ bản hoàn tất việc tư vấn, lựa chọn địa điểm xây dựng TTNCL tại khu vực cảng cá Đá Bạc (TP Cam Ranh) với tổng diện tích khoảng 16ha. Theo kế hoạch, Khánh Hòa sẽ cố gắng khởi công xây dựng TTNCL trong năm 2016. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề băn khoăn, nhất là liên quan tới phân bổ vốn, quy mô vốn đầu tư của dự án, thành phần vốn ngân sách, vốn từ các chương trình tài trợ quốc tế, vốn từ các dự án hợp tác công tư… vẫn chưa rõ. Bên cạnh đó theo quy định đầu tư công từ trước đến nay thì các cảng cá loại I, trong đó có cảng cá nằm trong TTNCL là do TƯ, cụ thể là Bộ NN-PTNT đầu tư, tuy nhiên đây lại là lần đầu tiên giao cho địa phương đầu tư nên việc triển khai gặp không ít lúng túng. Cùng quan điểm với ông Thiên, ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang đã phê duyệt xong đề cương chi tiết quy hoạch xây dựng TTNCL tổng diện tích 55 ha dọc sông Cái Lớn với chiều dài trên 2,2 km ở vị trí giáp cảng cá trước đây, dự định khởi công từ năm 2017. Băn khoăn lớn nhất của Kiên Giang vẫn là dự án nên giao vốn cho Bộ NN-PTNT thực hiện hay địa phương thực hiện. “Vốn thực hiện dự án theo tôi là giao cho Trung ương quản lí hay giao cho địa phương triển khai cũng được, miễn là làm sao quyết toán được, nhưng nếu giao cho Bộ NN-PTNT triển khai sẽ tốt hơn” – ông Nghị nêu ý kiến. Cũng theo ông Nghị, một trong những khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án xây dựng TTNCL chính là nguồn vốn giải phóng mặt bằng (GPMB). Bởi theo quy định, nguồn vốn Trung ương chỉ đầu tư cho dự án xây dựng TTNCL, còn địa phương sẽ phải chi kinh phí cho việc GPMB..
“Không chỉ chi phí cho việc thuê chuyên gia tư vấn, quy hoạch, lựa chọn địa điểm xây dựng, với tổng diện tích phải GPMB trên 55 ha, sẽ cần ít nhất trên 55 tỉ đồng để GPMB. Kinh phí này quá lớn, địa phương sẽ khó mà bố trí được” – ông Nghị kêu khó. Phải có tư vấn, lựa chọn kỹ địa điểm Xung quanh vấn đề kinh phí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, qua tham khảo mô hình cảng cá General Santos của Philippin mới đây cho thấy, chỉ xây dựng 3 cầu cảng dài 1,2 km đã tốn khoảng 40 triệu USD. Như vậy chỉ tính riêng 6 cảng cá động lực thuộc TTNCL, tổng kinh phí đã lên tới trên 5.000 tỉ đồng. Với nguồn kinh phí khổng lồ đó, việc phải đầu tư xây dựng trong 5 năm 2015 – 2020 mà chỉ dựa vào nguồn ngân sách là điều không thể. Vì vậy, chỉ có kêu gọi các nguồn vốn hợp tác công tư, hoặc đầu tư tư nhân may ra mới có thể triển khai được. Trước việc 6 tỉnh vẫn còn băn khoăn trong lựa chọn địa điểm xây dựng, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị: Việc xây dựng các TTNCL tại 6 tỉnh không chỉ dành riêng cho tỉnh đó, mà còn đóng vai trò nòng cốt cho các vùng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên cả nước. Vì vậy, mặc dù các tỉnh có thẩm quyền lựa chọn địa điểm xây dựng TTNCL, tuy nhiên, việc lựa chọn địa điểm nhất quyết phải có tổ chức tư vấn đánh giá, với điều kiện phải đưa ra được các địa điểm khác nhau, sau đó so sánh, đánh giá tính ưu việt của các địa điểm. “Việc lựa chọn xây dựng TTNCL ở đâu là vấn đề vô cùng hệ trọng, mang tầm ảnh hưởng tới cả chiến lược ngành thủy sản cả nước. Vì vậy không phải cứ ý chí địa phương tự quyết là được, mà tổ chức tư vấn trình Bộ NN-PTNT xin ý kiến mới có thể lựa chọn” – Thứ trưởng Tám lưu ý. Vấn đề quản lí sau đầu tư của các TTNCL ra sao cũng đang có nhiều ý kiến. Ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc quản lí TTNCL giao cho Trung ương hay cho địa phương quản lí không quá quan trọng, miễn là có nơi phục vụ hậu cần, giao thương buôn bán, thu mua chế biến sản phẩm cho ngư dân là được… Trong khi đó, đại diện Sở NN-PTNT TP Hải Phòng lại cho rằng, việc vận hành, quản lí các TTNCL lớn nhất định phải giao cho các địa phương, bởi đây là việc rất phức tạp, liên quan tới cả vấn đề an ninh chính trị, tổ chức khai thác, SX, chế biến… cụ thể của địa phương.