Tin tức thủy sản

Xã Vĩnh Thái (Khánh Hòa): Cố níu kéo với con tôm

Thứ ba, 17/03/2015 06:03 lượt xem: 335
Gần 50% số hộ nuôi tôm ở khu vực thôn Vĩnh Xuân - xã Vĩnh Thái (TP. Nha Trang) đã bỏ nghề; số hộ còn lại đa phần nuôi theo quảng canh để kiếm sống qua ngày. Cả vùng nuôi tôm gần 100 ha nay trở nên đìu hiu, nông dân ở đây đang mong muốn được chuyển đổi nghề nghiệp. Đìa tôm hiu hắt

Con đường dẫn ra vùng đìa tôm rộng lớn ở giữa sông Tắc và sông Quán Trường thuộc thôn Vĩnh Xuân - xã Vĩnh Thái những ngày này rất vắng người qua lại. Một số trại nuôi tôm không còn người ở, rất nhiều đìa nuôi tôm đã bỏ hoang.

Chị Hương Dung, hộ nuôi tôm và từng là chủ đại lý bán thức ăn tôm ở khu vực này cho biết, gia đình chị có 3 đìa nuôi tôm với diện tích gần 1ha nhưng đã ngừng thả giống từ đầu năm 2015 vì thời gian qua nuôi không hiệu quả. Đại lý thức ăn tôm của chị trước đây mỗi năm bán cho người nuôi tôm khoảng 300 - 400 tấn, nay đã đóng cửa. Chồng chị đi tìm việc làm khác, còn chị ở nhà nội trợ, chăn nuôi thêm để kiếm sống.

Chị Nguyễn Thị Vân (thôn Vĩnh Xuân) cũng cho biết, mọi năm đến thời điểm này, gia đình chị cùng bà con ở đây đã xuống giống vụ tôm mới. Nhưng 5.000 mđìa tôm của chị hiện vẫn đang bỏ trống vì mấy ngày trước, chị thấy sương xuống rất nhiều, sợ thả tôm sẽ chết. “Chờ ít hôm nữa, nếu hết sương tôi mới dám thả tôm nuôi, nhưng cũng lo vì nguồn nước ở đây quá ô nhiễm do thức ăn tôm tồn đọng lâu năm, một số nhà máy chế biến hải sản, nước mắm trong khu vực gây ô nhiễm môi trường. Mấy năm gần đây, tôm dịch bệnh nhiều, người nuôi tôm lỗ nhiều hơn lời. Gia đình tôi cũng muốn nghỉ nuôi nhưng đất ông bà để lại ở đây thì ráng bám trụ kiếm sống chứ biết đi đâu” - chị Vân nói.

Ở TP. Nha Trang lên khu vực này nuôi tôm, ông Nguyễn Hữu Thân là một trong những hộ khai hoang, nuôi tôm đầu tiên ở đây từ năm 1992 với diện tích đìa gần 2ha. Những năm trước, gia đình ông nuôi tôm rất thành công, nhưng những năm gần đây liên tục thua lỗ vì tôm dịch bệnh chết nhiều, mặc dù ông đã nâng cao kỹ thuật, đầu tư máy móc để nuôi tôm trên bạt hết cả tỷ đồng. “Bây giờ nuôi tôm khó khăn trăm bề, dịch bệnh, giá đầu vào tăng, đầu ra thấp. Năm ngoái, giá tôm giống chỉ có 99 đồng/con nhưng tôm thương phẩm được 120.000 - 130.000 đồng/kg. Hiện nay, giá con giống 119 đồng/con nhưng tôm thương phẩm chỉ còn 100.000 - 105.000 đồng/kg. Năm nay, tôi cố làm thêm vụ nữa, nếu không thành công thì chuyển sang nuôi cua công nghiệp” - ông Thân nói.

 

Mong muốn chuyển đổi nghề

Theo UBND xã Vĩnh Thái, vùng đìa tôm ở thôn Vĩnh Xuân có diện tích khoảng 100 ha, với trên 150 hộ nuôi, trong đó có khoảng 80% hộ là nông dân xã Vĩnh Thái trú tại các thôn Vĩnh Xuân, Thủy Tú, Thái Thông, còn lại một số hộ ở các địa phương khác đến thuê đìa để nuôi tôm.  

Bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thái cho biết, những năm trước, vùng nuôi tôm này rất trù phú, cho thu nhập cao nên bà con rất phấn khởi. Nhưng 3 năm trở lại đây, nghề nuôi tôm gặp khó khăn, số hộ nuôi tôm bỏ nghề gần một nửa, đìa bỏ hoang nhiều. Hiện nay, xã chỉ còn khoảng 70 hộ nuôi, nhưng chủ yếu nuôi quảng canh, năng suất thấp, duy trì kiếm sống qua ngày, số hộ nuôi tôm công nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gia đình bà Hoa cũng từng có 20.000 m2  đìa ở đây nhưng hiện nay đã ngừng nuôi vì ô nhiễm môi trường. “Vùng nuôi tôm lâu năm nguồn nước rất dễ bị ô nhiễm bởi thức ăn tôm tồn đọng. Những năm trước, mùa đông thường có lụt lớn, nước lũ cuốn trôi hết các chất cặn bã nên nguồn nước được rửa sạch, tôm ít dịch bệnh. 3 năm trở lại đây không có lũ lớn rửa trôi, môi trường ngày càng ô nhiễm khiến nghề nuôi tôm gặp khó khăn” - bà Hoa nói.

Theo nhiều nông dân xã Vĩnh Thái, hiện nay họ không còn tha thiết với nghề nuôi tôm một phần vì ô nhiễm môi trường, một phần vì đất đã quy hoạch cho các dự án không biết thu hồi lúc nào nên không yên tâm đầu tư sản xuất. Bà con đang có nguyện vọng được chuyển đổi nghề nghiệp. Nắm bắt được mong muốn này, mấy năm gần đây, chính quyền xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp đào tạo nghề nấu ăn, pha chế đồ uống, lễ tân cho người dân trên địa bàn. Năm 2014, xã mở thêm 1 lớp đào tạo nghề cơ khí cho một số con em nông dân có nhu cầu. “Phần lớn đất đìa tôm của nông dân Vĩnh Thái đều nằm trong quy hoạch các dự án. Bà con rất mong muốn Nhà nước thông báo rõ ràng lộ trình thu hồi đất, sớm đền bù giải tỏa và có kế hoạch chuyển đổi, đào tạo việc làm phù hợp cho con em của họ để các em có việc làm, ổn định cuộc sống” - bà Hoa cho biết.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện