Tin tức thủy sản

Ứng dụng công nghệ sinh học giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật nuôi tôm

Thứ sáu, 16/12/2016 08:00 lượt xem: 800

TS. Nguyễn Tấn Sỹ, phó viện trưởng Viện nuôi trồng thủy sản (Đại học Nha Trang) cho biết, hiện nay nghề nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng công nghiệp đang gây sức ép rất lớn đến môi trường nuôi.Giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học có thể giải quyết được nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật nuôi tôm.

 

ứng dụng công nghệ sinh học nuôi tôm

Giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học có thể giải quyết được nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật (ảnh chụp nuôi tôm ở xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang)

Theo TS. Nguyễn Tấn Sỹ, hiện nay, ước tính khoảng 30% lượng nitơ từ thức ăn được tích lũy thành sinh khối trong cơ thể tôm, 70% lượng nitơ còn lại thải vào môi trường qua sản phẩm bài tiết của tôm và lượng thức ăn thừa. Trong ao nuôi thâm canh, 90% lượng nitơ tích lũy trong chất thải ở dạng amonium (NH3/NH4).Amonium hình thành trong ao có thể do từ sản phẩm bài tiết của tôm, từ quá trình khoáng hóa chất hữu cơ tạo nên (vi khuẩn). Trong môi trường ao nuôi, amonium là khí độc, gây chết tôm nếu tồn tại với tỷ lệ cao ở dạng NH3 (phụ thuộc vào pH); gây nên sự phì dưỡng, dẫn đến sự nở hoa của tảo. Tảo tàn lụi sẽ gây nên sự căng thẳng về môi trường. Xác tảo bị phân hủy, tái khoáng hóa tạo thành amonium. Ngoài ra, nghề nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng cũng đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát khắp nơi, giá thành cao, hiệu quả kinh tế thấp do có nhiều rủi ro, chất lượng sản phẩm kém do dư lượng kháng sinh và hóa chất độc hại, tôm xuất khẩu vào các thị trường thế giới luôn gặp khó khăn.

Trước thực trạng trên đã có nhiều giải pháp đưa ra để nghề nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng phát triển, cụ thể như: giảm mật độ nuôi để hạn chế rủi ro. Tôm chân trắng nên nuôi với mật độ khoảng 80 con/m2; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thức ăn để hạ giá thành sản phẩm; có thể nuôi cá chẽm, rô phi, cá măng, bào ngư… nhằm thay đổi ký chủ để hạn chế dịch bệnh; nuôi ghép với các đối tượng khác để dọn sạch chất thải và khí độc trong ao nuôi; nuôi tôm siêu thâm canh trong hệ thống nước chảy và tái sử dụng nước; ứng dụng công nghệ sinh học; sử dụng chế phẩm vi sinh (probiotic) trong cải tạo ao, xử lý nước cấp, xử lý nước trong quá trình nuôi, xử lý nước thải, xử lý chất thải; cuối cùng là sử dụng công nghệ Biofloc, Coperfloc.

Theo TS. Nguyễn Tấn Sỹ, trong các giải pháp trên thì giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học có thể giải quyết được nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật. Thành phần chế phẩm sinh học gồm các vi khuẩn có lợi như: BacillusLactobacillusNitrosomonasNitribacter… và các chất dinh dưỡng cung cấp cho hoạt động sống của vi khuẩn như các đường đơn, muối calci, muối magnesium...

Trong nước, chế phẩm sinh học có tác dụng kích thích sự phát triển vi khuẩn có lợi, cạnh tranh môi trường sống, làm giảm số lượng vi khuẩn có hại, ổn định môi trường ao nuôi. Đồng thời, giúp chuyển hóa các chất hữu cơ như: thức ăn dư thừa, xác tảo, cặn bã thành chất vô cơ không độc hại cho tôm nuôi và chuyển các chất độc hại như NH3, NO2- thành các chất không độc như NO3-, NH4+, từ đó làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi.

Trong ruột tôm, chế phẩm sinh học có tác dụng: kích thích vi khuẩn có lợi phát triển, cạnh tranh để giảm dần số lượng vi khuẩn gây bệnh đường ruột cho tôm cá; tham gia quá trình biến dưỡng tạo vitamin, chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ thức ăn cung cấp năng lượng cho tôm nuôi; tiết ra một số chất kháng sinh, enzym hay hóa chất kìm hãm hay tiêu diệt mầm bệnh, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho tôm nuôi; kích thích quá trình bắt mồi và chuyển hóa thức ăn, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn.

Nguyễn Quang Trí

 

Quảng cáo: cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia giá 5.500đ/kg (đạm:50%) , bột đầu tôm giá 7.500đ/kg (đạm 35%, tro < 25%), cám bắp 5.000đ/kg (tro <5%) , bột cá 50% (đạm 50%, tro <21%)  giá 14.000đ, Liên hệ 08.6260 0412

 

 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện