Phóng sự- ký sự

Tỷ phú cá nơi rừng thiêng nước độc

Thứ hai, 29/08/2016 09:46 lượt xem: 1140

Từng là lâm tặc có tiếng ở huyện Tân Sơn (Phú Thọ), gần 20 năm nếm đủ cay đắng, Phạm Hữu Mai đã “gác kiếm” chuyển sang nuôi cá lồng. Không ít người ngạc nhiên khi ở chốn rừng thiêng nước độc bỗng xuất hiện một tỷ phú cá lồng.

kiem tra ca truoc thu hoach

Anh Phạm Hữu Mai đang kiểm tra cá trước khi thu hoạch. ảnh: Trần Quang

Trang Trại Việt đã có cuộc trò chuyện với nông dân giỏi Phạm Hữu Mai.

Từng là lâm tặc, cơ duyên nào khiến anh “gác kiếm” chuyển sang nghề nuôi cá lồng?

- Từ khi lớn lên tôi đã gắn bó với khu rừng già Xuân Sơn (Vườn quốc gia Xuân Sơn – Phú Thọ). Lúc nhỏ tôi cùng người lớn vào rừng săn bắt thú, lớn lên theo người ta làm nghề lấy gỗ. Thời gian đầu, tôi khai thác gỗ rừng tự nhiên, nhưng về sau chuyển sang làm đầu nậu thu gom, bao tiêu sản phẩm gỗ của các “lâm tặc” khác. Hơn 20 năm trong nghề tôi cũng trải qua đủ mùi đời. Vui cũng có mà đắng cay, cực khổ cũng nhiều, không ít lần tôi cận kề cái chết...

Việc từ bỏ nghề gỗ chuyển sang nghề nuôi cá, là cả một câu chuyện dài. Nhưng nguyên nhân chính xuất phát từ thực tế việc thu mua gỗ gặp khó khăn do luật pháp ngày càng nghiêm hơn, các khu rừng đã đóng cửa hết, không còn gỗ để buôn. Nghề nuôi cá lồng đến với tôi cũng rất tình cờ. Trong một lần đi chơi gần nhà máy thủy điện Hòa Bình, thấy người dân ở đó nuôi cá lồng và tiêu thụ rất dễ. Tôi còn được bà con mời ăn thử, cá rất ngon nên tôi mê ngay. Về nhà bàn bạc với gia đình và tôi đã quyết định nuôi thử.

Khi tôi lên huyện và tỉnh làm thủ tục thuê hồ thủy lợi của xã Xuân Đài để nuôi cá, nhiều cán bộ còn không tin. Họ bảo tôi không có vốn, không có kỹ thuật thì làm thế nào được? Nhưng tính tôi đã quyết là làm, tôi cam kết sẽ có đủ vốn. Trong vòng 1 tuần, tôi huy động vốn từ anh em, họ hàng được hơn 1 tỷ đồng để xây dựng lồng, bè. Làm xong, tôi mời cán bộ về xem. Lúc đó họ mới đồng ý cho tôi thuê hồ để nuôi cá.

Không có tí kinh nghiệm nuôi cá, anh có sợ thất bại không?

- Ngay từ đầu khi bắt tay vào nuôi cá lồng, tôi đã xác định muốn thành công thì phải có kinh nghiệm, hiểu biết sâu rộng về kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá. Bởi thế, trước khi thả cá nuôi tôi đã dành nhiều tháng đi học hỏi các trang trại nuôi cá ở lòng hồ thủy điện Hòa Bình và các chủ lồng, bè ở huyện Tam Nông. Vừa thăm quan học hỏi kiến thức, tôi còn cẩn thận chụp lại thiết kế của các trang trại để về áp dụng.

Đầu năm 2015, tôi bỏ vốn nuôi 10 lồng cá, trong đó có 4 lồng cá lăng, 6 lồng cá rô phi và trắm. Vừa nuôi, tôi vừa nghiên cứu thêm sách vở, tài liệu hướng dẫn. Tôi cũng thường xuyên gọi điện trao đổi với các chuyên gia thủy sản để hỏi về kỹ thuật phòng, chữa trị bệnh cho cá. Nhờ những kiến thức học hỏi được, đồng thời chuẩn bị được nguồn thức ăn tốt, sau 14 tháng thả nuôi, tôi đã thu được khoảng 50 tấn cá, thương lái vào thu mua tận bè. Vụ cá này tôi đạt doanh thu khoảng 2 tỷ đồng.

Hiện nay, nghề nuôi cá lồng ở một số nơi gặp rất nhiều khó khăn do nguồn nước sông, ao hồ bị ô nhiễm. Anh có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm nuôi cá của mình?

- Đúng là ở một số nơi đang xảy ra tình trạng các hộ nuôi cá lồng trên sông bị ô nhiễm, khiến cá mắc dịch bệnh, chết nhiều. Tuy nhiên, việc nuôi cá trên hồ chứa tự nhiên ở Xuân Sơn chưa gặp phải chuyện này. Trước đây, khu vực này là một thung lũng. Từ những năm 2000, nhà nước ngăn đập làm hồ thủy lợi, chưa từng có ai nuôi cá hay nuôi gia súc, gia cầm nên nước trong hồ rất sạch, sâu từ 20 – 50m nên rất phù hợp nuôi cá lồng.

Tuy nhiên, để phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững còn phụ thuộc rất lớn vào việc chăm sóc, phòng chữa trị bệnh và chế độ cho cá ăn. Chẳng hạn, với diện tích hàng chục ha mặt nước, vùng hồ này tôi có thể nuôi hàng trăm lồng cá. Nhưng để an toàn, tôi chỉ đặt mục tiêu phát triển trên dưới 100 lồng. Khi nuôi, phải có chế độ cho ăn hợp lý, phù hợp với mật độ của cá trong lồng. Nhiều nơi, người ta đổ thức ăn bừa bãi khiến thức ăn bị dư thừa, vừa lãng phí vừa dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, phát sinh dịch bệnh cho cá.

Thời điểm này, tôi mới thả thêm 5 vạn cá lăng giống. Vụ nuôi năm nay, tôi sẽ đầu tư nuôi trên 20 lồng cá lăng. Hy vọng doanh thu sẽ tăng gấp đôi năm 2015.

Cũng phải chia sẻ là, để thực sự yên tâm với nghề, có một động lực khác từ vợ và 2 con của tôi. Những lúc nắng mưa vất vả thì vợ, con luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, động viên mình vượt qua. Hiện, 2 người con của tôi đều đã trưởng thành. Thằng lớn đang theo nghiệp quân nhân, đứa nhỏ đang học lớp 12. Cũng may, không đứa nào “gấu” như bố hồi nhỏ, luôn chăm chỉ học tập, làm việc.

Hầu như ai khởi nghiệp cũng gặp khó khăn về vốn, vậy anh tháo gỡ bằng cách nào?

- Đúng vậy, việc thiếu vốn là vấn đề chung của tất cả các trang trại. Bản thân tôi cũng đang có rất nhiều dự định, hướng đi nhưng rào cản lớn nhất hiện nay chính là vốn. Không có vốn thì không thể làm gì được.

Trong quá trình làm nghề, tôi đã nhiều lần có ý định đi vay vốn ngân hàng nhưng đều thất bại, bởi thủ tục rất rườm rà. Mặt khác, dù được cho vay thì cũng chỉ được 100 triệu đồng. Nguồn vốn ấy quá ít, không đủ để mở rộng quy mô nên tôi không vay mà vẫn đang dừng ở phương án “lấy ngắn nuôi dài”.

Xin cảm ơn ông!

Tôi đang ấp ủ dự định phát triển thêm 50 lồng cá để khai thác hiệu quả tiềm năng của lòng hồ. Nguồn vốn đầu tư cho thiết bị, thức ăn, cá giống rất lớn. Vì thế tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn thông thoáng hơn, món vay cũng phải đủ lớn, đáp ứng quy mô đầu tư của trang trại.  Anh Phạm Hữu Mai

29/08/2016

Trần Quang (Trang Trại Việt)

Báo Dân Việt, 28/08/2016

 

Cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500đ tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ (08) 6260 0412 - 0946.705.238  cam kết chất lượng. Ngoài ra còn có Bột xương thịt, bã điều, bột đầu tôm, bột gan mực.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện