Thưa ông, với việc nước ta đã tham gia vào TPP cùng hàng loạt các Hiệp định tự do thương mại khác đã được ký kết trong năm 2015, nông nghiệp Việt Nam đang có sự hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới. Như vậy, trong những năm tới, nông nghiệp cần phải làm gì để tận dụng được những cơ hội lớn mà hội nhập mang lại?...
Theo tôi, quan trọng nhất là phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Đã đến lúc nông nghiệp muốn phát triển được thì phải tái cơ cấu để phát huy được hết những lợi thế của một nền nông nghiệp nhiệt đới. Đến nay, sự phát triển, tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã gần như khựng lại rồi.
Vì thế, áp lực lớn nhất đối với tái cơ cấu nông nghiệp chính là từ những vấn đề tự thân của ngành nông nghiệp. Do đó, không phải đợi đến khi hội nhập chúng ta mới phải tái cơ cấu nông nghiệp, dù hội nhập sẽ tạo nên áp lực lớn hơn.
Bởi vậy tất cả những kỳ vọng về sự phát triển nền nông nghiệp nước ta, giúp nông dân có thể sống được và làm giàu nhờ nông nghiệp, đều đang đặt cả vào Đề án Tái cơ cấu của Bộ NN-PTNT. Tôi cho rằng đề án đó đã đúng về mặt tư duy nhưng đi vào đời sống còn quá chậm. Trong những năm tới, cần phải có những hành động quyết liệt hơn để đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên cả nước...
Ông có ý kiến gì thêm với tái cơ cấu nông nghiệp ở nước ta, nhất là ở từng lĩnh vực cụ thể?...
Trong lĩnh vực trồng trọt, vai trò của Nhà nước là phải làm sao để Việt Nam trở thành một quốc gia chủ động tạo ra được các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao. Ở lĩnh vực chăn nuôi, cần phải giải bài toán quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và sự thao túng của các doanh nghiệp FDI, vì nó ảnh hưởng lớn tới giá thành chăn nuôi.
Ở lĩnh vực ngư nghiệp, phải thay đổi ngay cách đánh bắt truyền thống kiểu cha truyền con nối hiện đã không còn phù hợp bằng cách đánh bắt hiện đại hơn. Trong đó, quan trọng là xây dựng các trung tâm hậu cần nghề cá.
Những trung tâm này sẽ giúp thay đổi hoàn toàn tư duy của ngư dân trong đánh bắt xa bờ, đồng thời giải quyết được các vấn đề quan trọng như nhân lực, hậu cần, chế biến, thương mại… Tiếc rằng tuy đã có chủ trương nhưng việc bắt tay vào xây dựng các Trung tâm hậu cần nghề cá hãy còn quá chậm.
Như ông đã nói, áp lực lớn nhất để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp là từ chính những vấn đề tự thân của ngành nông nghiệp. Vậy đâu là những tồn tại lớn nhất của nông nghiệp nước ta hiện nay?...
Tồn tại lớn nhất của nền nông nghiệp nước ta là kéo dài quá lâu ở quy mô nông hộ. Hiện cả nước có tới trên 10 triệu nông hộ. Lực lượng nông hộ quá lớn như vậy thì không cho phép nền nông nghiệp hấp thụ vốn, công nghệ và giải quyết bài toán thị trường...
Để giải quyết được những vấn đề này, phải có những mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Trong những năm gần đây, đã xuất hiện những mô hình sản xuất lớn, có hiệu quả như cánh đồng lớn sản xuất lúa của Tập đoàn Lộc Trời, các nông trại nuôi bò sữa quy mô lớn của TH True Milk, Hoàng Anh Gia Lai…
Thực tế cho thấy những mô hình này đã cho phép giải quyết được các vấn đề về công nghệ, vốn và nhất là giải quyết về mặt thị trường. Và quan trọng hơn là nó giải quyết được một cách căn cơ đời sống của nông dân tham gia vào mô hình.
Cơ chế về đất đai hiện nay cũng đang cản trở sự phát triển của nông nghiệp. Đã có nhiều doanh nghiệp muốn tìm 100 ha đất nông nghiệp để đầu tư trồng trọt hoặc chăn nuôi nhưng tìm không ra. Trong khi đó, 650 ngàn ha đất nông trường đang bị lãng phí, chia năm xẻ bảy, quản lý kém. Nhiều diện tích lớn rừng sản xuất đang trồng keo, bạch đàn…, sau khi trồng 5-7 năm thì thu hoạch đem băm dăm xuất khẩu với giá thấp, mà nguyên nhân chính là thiếu những nhà máy có thể chế biến dăm gỗ thành những sản phẩm gỗ có giá trị cao hơn.
.ATTP cũng là tồn tại lớn trong sản xuất nông nghiệp nước ta. Nông nghiệp Việt Nam đang bị mất uy tín bởi tình trạng lạm dụng các loại hóa chất độc hại. Đây là một nguy cơ lớn bởi chưa cần tính tới thị trường xuất khẩu, mà nông lâm thủy sản Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà do bị người tiêu dùng trong nước quay lưng, tẩy chay vì lo ngại về ATTP.
Nông nghiệp nước ta đang thực sự bước vào một giai đoạn phát triển mới, đó là hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Như vậy, chúng ta có cần phải thay đổi về tư duy đối với ngành nông nghiệp?
Để phát triển nông nghiệp, giúp nông dân sống được nhờ nông nghiệp, cần phải đổi mới tư duy từ người cày có ruộng sang làm sao để nông dân có việc làm, có thu nhập ổn định. Vì thế, những vấn đề lớn như tích tụ đất đai, an ninh lương thực, cần phải được xem xét lại để có những chính sách phù hợp.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải từ bỏ tư duy phát triển một nền nông nghiệp toàn diện. Việt Nam có quá nhiều lợi thế để làm nông nghiệp, nhưng vì thế mà lâu nay lại đi vào xu hướng phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, tức là cái gì cũng phải có. Đi theo con đường phát triển nông nghiệp toàn diện sẽ khiến cho hiệu quả chung không cao, giảm sức cạnh tranh của cả ngành nông nghiệp, không có những sản phẩm thế mạnh, đặc thù…
Nó giống như những khu vườn tạp ở ĐBSCL, cây gì trong vườn cũng có, nhưng hiệu quả chung của cả khu vườn là rất thấp. Khi hội nhập vào kinh tế quốc tế, thì không thể cứ phát triển một nền nông nghiệp toàn diện mà phải chọn những gì có lợi thế lớn nhất để đầu tư phát triển
. Bởi hội nhập là tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Trong chuỗi giá trị ấy, anh chỉ nên tham gia vào những khâu, những sản phẩm mà anh có lợi thế lớn nhất...
Như tôi đã nói ở trên, một tồn tại lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là chủ yếu ở quy mô nông hộ nên không có khả năng hấp thụ vốn, công nghệ, và giải quyết thị trường. Vì vậy, để thu hút được đầu tư vào nông nghiệp, phải làm sao để nền nông nghiệp giải quyết được các vấn đề đó.
Giải pháp căn cơ nhất là phải đưa từ sản xuất nhỏ lẻ, quy mô nông hộ lên sản xuất lớn, sản xuất có sự liên kết, bằng cách tạo điều kiện hình thành, phát triển các HTX, trang trại, các chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân. Làm tốt những vấn đề ấy, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư hơn vào nông nghiệp.
Ông có kỳ vọng gì vào nên nông nghiệp Việt Nam trong những năm tới?
Nông nghiệp Việt Nam vẫn đang có rất nhiều lợi thế để phát triển và hoàn toàn có đủ điều kiện giúp cho nông dân nước ta trở nên khá giả, giàu có. Nếu nông nghiệp không giúp được nông dân làm giàu thì đó là một điều đáng tiếc. Hay có thể nói rằng với nhiều lợi thế lớn, nông dân Việt Nam trở nên khá giả, giàu có nhờ nông nghiệp là chuyện bình thường, còn không thể giàu lên được nhờ nông nghiệp phải coi là bất bình thường
Xin cám ơn ông!.