Dọc các con đường thuộc ấp Động Cao và Định An của xã Đông Hải và khóm 1, khóm 2 của thị trấn Mỹ Long không khí đang nhộn nhịp, nhiều khu vực sân bãi trống được người dân tận dụng để phơi khô. Có rất nhiều loại khô ngon như: khô cá đù, khô cá lưỡi trâu, khô cá khoai, khô cá phi, khô mực, tôm khô… Bà Lê Thị Lùng, chủ vựa khô Văn Thắng ở khóm 1, thị trấn Mỹ Long, cho biết: "Để đủ lượng khô phục vụ Tết, tôi đã thuê 5 nhân công sơ chế khô, mỗi người có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Tôi bán cho bạn hàng ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL, một phần tôi bán ở thành phố Trà Vinh, hoặc bán cho Việt kiều theo đơn đặt hàng. Mỗi tháng chúng tôi bán khoảng 300 - 400 kg khô các loại, còn những ngày cận Tết sẽ cao hơn rất nhiều".
Theo ông Lê Thành Đỏ, ngụ ở khóm 1, thị trấn Mỹ Long - người gắn bó với nghề đi biển trên 30 năm, hiện nguồn cá, tôm khá ổn định, một chiếc tàu của ông có thể đánh bắt được 4-5 tấn cá, tôm các loại trong một chuyến đi biển khoảng nửa tháng. Mỗi chuyến biển, ông lời khoảng 50 - 60 triệu đồng. "Dễ bán lắm, có cá bao nhiêu người ta cũng mua hết. Điều đáng mừng nữa là hiện giá dầu đang giảm, giá thành cho một chuyến đi đánh bắt thấp hơn, thu lời nhiều hơn"- ông Đỏ cho biết.
Hằng năm, 2 làng nghề này khai thác từ biển khoảng 36.000 tấn cá tôm các loại, chế biến được 14.000 - 20.000 tấn khô thành phẩm. Hiện 2 làng nghề có tổng số trên 1.200 hộ dân. Những sản phẩm của làng nghề giờ đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài, bởi khô biển có chất lượng vừa ngon, giá rẻ. Theo ông Dương Tiến Hải, Chủ cơ sở Tôm cá khô Tiến Hải, ngụ xã Đông Hải, từ khi được công nhận làng nghề, cơ sở được hỗ trợ đăng ký thương hiệu cho một số loại khô nên ngày càng được nhiều người biết đến, được tham gia bán hàng vào các siêu thị, vào hội chợ quảng bá sản phẩm. Tới đây, cơ sở sẽ tiếp tục mở rộng quy mô để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng khá nhiều như hiện nay. Cũng như ông Hải, bà Lùng cũng cho biết: "Sẽ có kế hoạch mua thiết bị hỗ trợ, mở rộng quy mô cơ sở, tiếp tục phát triển thương hiệu". Để phát huy được tiềm năng nguồn lợi từ biển cả đem lại, UBND xã Đông Hải và thị trấn Mỹ Long đang đề nghị UBND tỉnh xây dựng các cảng cá, tạo điều kiện cho các tàu thuyền neo đậu và mua bán, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cho làng nghề, nâng cấp hệ thống giao thông để việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa được dễ dàng, tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại.
"Thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc của bà con trong làng nghề đều được UBND thị trấn kịp thời tháo gỡ. Để thuận lợi hơn trong thời gian tới, chúng tôi đang kiến nghị các ngành chức năng có liên quan của tỉnh hỗ trợ 6 tỉ đồng để làm sân bãi và các cơ sở hạ tầng khác. Đồng thời, có một số chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân phát triển làng nghề" - ông Nguyễn Văn Đàn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Long nói.