Lo giá
Cái lo trước hết là về mặt giá cả. Bởi nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho ngành tôm Việt Nam đạt kỷ lục XK trên 3 tỷ USD trong năm qua là nhờ giá tôm tăng cao trên toàn cầu khi sản lượng tôm thế giới bị giảm tới 15% do dịch bệnh tôm chết sớm EMS (Trung Quốc từ 1,5 triệu tấn năm 2012 giảm còn 1,1 triệu tấn; Thái Lan giảm từ 550 ngàn tấn xuống 270 ngàn tấn, Mexico giảm từ 100 ngàn tấn xuống 40 ngàn tấn…). Tuy nhiên, sau một năm thiệt hại nặng nề bởi EMS, nhiều nước nuôi tôm lớn như Trung Quốc, Thái Lan …, sẽ phục hồi trở lại nhờ kiểm soát tốt hơn về dịch bệnh.
Do giá tôm nguyên liệu trong năm ngoái tăng lên tới mức kỷ lục, nên sản lượng tôm ở Việt Nam trong năm nay sẽ tăng lên đáng kể, nhất là với con tôm thẻ chân trắng. Việc tăng mạnh sản lượng tôm chân trắng chủ yếu nhờ vào gia tăng diện tích. Ông Trần Văn Lĩnh, TGĐ Cty Thuận Phước (Đà Nẵng), cho biết, ở miền Trung, nhiều hộ mấy năm trước bỏ trống ao tôm do làm ăn thua lỗ, nay đang ồ ạt thả nuôi tôm trở lại. Nhiều hộ khác do thấy giá tôm cao nên cũng đã đào vườn thành ao thả nuôi tôm.
Vì thế, dự báo của VASEP về việc sản lượng tôm thẻ chân trắng năm 2014 ở nước ta sẽ tăng 20% là hoàn toàn có cơ sở. Sản lượng tôm thế giới tăng trở lại, sản lượng tôm trong nước cũng tăng mạnh, khiến cho nguồn cung trên thế giới dồi dào hơn, vì thế, giá tôm trong năm nay khó mà giữ được mức cao như năm 2013.
Trong khi đó, giá thành nuôi tôm ở nước ta vẫn cao hơn nhiều so với các nước khác. Theo ông Lĩnh, nguyên nhân chính là do tỷ lệ thành công trong nuôi tôm ở nước ta chỉ là 30%, trong khi ở các nước là 70%. Mặt khác, giá giống, thức ăn nuôi tôm ở nước ta vẫn phụ thuộc chủ yếu vào NK hay các DN có vốn nước ngoài, cũng góp phần làm giá thành tôm Việt Nam cao hơn các nước.
Một minh chứng điển hình là vào tháng 6 năm ngoái, có thời điểm giá tôm thành phẩm của Ấn Độ thấp hơn giá tôm cùng loại của Việt Nam tới 3 - 5 USD/kg. Nguồn cung dồi dào hơn, trong khi giá thành tôm nguyên liệu nước ta cao hơn nhiều so với các nước, sẽ gây khó khăn lớn cho con tôm Việt Nam trong việc cạnh tranh tìm khách hàng, thị trường năm 2014.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, tôm Việt Nam vẫn có cơ hội XK với giá tốt trong nửa đầu năm nay. Bởi vừa qua, khi tham quan ngành tôm Ấn Độ, ông Tuấn nhận thấy mùa vụ tôm ở nước này trễ hơn ở Việt Nam 1 - 1,5 tháng. Trong khi đó, tuy nuôi tôm ở Trung Quốc, Thái Lan… sẽ phục hồi, nhưng chưa thể được như trước đây, mà phải mất ít nhất 2 năm nữa. Thành ra, trong 6 tháng đầu năm nay, giá tôm XK của Việt Nam vẫn còn cao. Nếu có giảm thì mức giảm cũng chưa nhiều.
Lo chất lượng
Việc thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh thu mua tôm Việt Nam trong năm 2013, tuy đã góp phần đáng kể làm tăng giá tôm nguyên liệu ở nước ta và giá trị XK tăng mạnh, nhưng cũng đang để lại những nguy cơ không nhỏ. Cái lo lớn nhất là việc người nuôi tôm lại lạm dụng kháng sinh trở lại. Theo ông Trần Văn Lĩnh, thương lái mua tôm xuất sang Trung Quốc không quan tâm nhiều đến kháng sinh, mà lại mua giá cao, nên nhiều nông dân đã chủ quan, sử dụng nhiều kháng sinh trong nuôi tôm.
“Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn ở Bạc Liêu cũng cho hay, trước đây, do các DN tăng cường kiểm soát nguyên liệu đầu vào, cộng với sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng, việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh đã lắng xuống. Nhưng từ cuối năm 2013, khi giá tôm tăng lên quá cao, điều kiện thu mua của thương lái xuất tôm đi Trung Quốc lại quá dễ dãi, nên tình trạng lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm đang bùng phát trở lại.
Nhận định về thực trạng này, ông Lĩnh cho rằng nó không chỉ làm ảnh hưởng lớn tới chất lượng, uy tín của con tôm Việt Nam mà còn là mối nguy cơ lớn cho chính những nông dân đang lạm dụng kháng sinh, hóa chất. Bởi nếu như Trung Quốc bỗng ngưng mua tôm Việt Nam (điều rất dễ xảy ra), những ao tôm lạm dụng hóa chất, kháng sinh sẽ không thể tiêu thụ được, vì DN trong nước cũng không thể mua để XK sang các nước khác vốn kiểm soát chặt chẽ về dư lượng chất cấm trong tôm NK.
Tình trạng bơm chích tạp chất (agar) vào tôm nguyên liệu cũng đang tiếp tục là mối lo lắng lớn của các DN chế biến XK tôm. Ông Võ Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), cho biết, ở nhiều cơ sở, không chỉ có vài công nhân bơm chích tạp chất vào tôm mà là cả xưởng với trăm công nhân làm việc này.
Ông Lê Văn Quang, TGĐ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nhận định, tình trạng bơm tạp chất vào tôm đã tới mức báo động đỏ. Vì nhiều thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ… đã phản ứng với các DN Việt Nam về vấn đề này. Bởi thế, đã đến lúc chúng ta không thể che dấu tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm, mà phải đấu tranh quyết liệt với nạn này.
Chất lượng tôm giống cũng sẽ là nỗi lo lớn trong năm 2014, nhất là với tôm thẻ chân trắng. Bởi trong năm 2013, thành công về tôm thẻ chân trắng chủ yếu ở các hộ nuôi nhỏ lẻ chứ không phải ở các trang trại, hộ nuôi quy mô lớn. Giá tôm thẻ chân trăng trong năm qua quá hấp dẫn đang như một liều thuốc kích thích các hộ nhỏ lẻ tham gia nuôi loại tôm này ngày càng nhiều. Khi ấy, nhu cầu con giống sẽ tăng cao, dễ dẫn tới việc nhiều cơ sở sẵn sàng cung ứng con giống không đạt chất lượng.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT) để kiểm soát được chất lượng tôm nguyên liệu, ở nhiều nước người ta đã xây dựng các chợ đầu mối. Chợ chính là khâu đầu của chuỗi tiêu thụ. Tôm nguyên liệu bắt buộc phải đưa vào chợ trước khi đến với nhà máy chế biến, XK. Nhờ đó, người ta đã kiểm soát được rất tốt vấn đề ATTP trong tôm nguyên liệu.