(28/11) – Xuất khẩu đứng đầu thế giới về số lượng nhưng, kể cả giá bán cũng như hiệu quả kinh doanh, 2 mặt hàng điều và tiêu đang trên đà… tiêu điều.
Chiếm ngôi vị số 1 thế giới về xuất khẩu mặt hàng tiêu và điều, kết quả đó luôn được coi là niềm tự hào của Việt Nam. Đơn thuần nhìn vào số lượng xuất khẩu 2 mặt hàng này, đúng là Việt Nam gần như không có đối thủ trên thương trường quốc tế.
Sẽ là phiến diện (thậm chí còn là sai lầm) nếu chỉ “choáng ngợp” trước số lượng hàng hóa xuất khẩu mà không nói đến giá cả cũng như hiệu quả kinh doanh của 2 mặt hàng này. Xuất khẩu đứng đầu thế giới về số lượng nhưng, kể cả giá bán cũng như hiệu quả kinh doanh, 2 mặt hàng điều và tiêu đang trên đà… tiêu điều.
Đến đầu quý 4/2013, tổng số lượng hạt điều xuất khẩu đạt tới 212 ngàn tấn, tăng hơn 15% so cùng kì năm trước. Khối lượng hàng hóa xuất khẩu tăng nhưng giá bán giảm mạnh, vì lẽ đó tổng giá trị nguồn thu từ mặt hàng điều trở nên “mất mùa” ở mức không nhỏ.
Khối lượng xuất khẩu điều với giá bán biến động theo chỉ số 2:1, nghĩa là giá bán chỉ tăng bằng 50% so với mức tăng khối lượng hàng hóa. Với mức giá suy giảm như vậy, xuất khẩu điều càng nhiều càng bị thiệt hại lớn. Giá điều xuất khẩu hiện thời chỉ nằm ở mức hơn 6.300 USD/tấn, giảm hơn 420 USD/tấn so với 2012.
Khối lượng điều xuất khẩu tính đến đầu quý 4/2012 đạt 212 ngàn tấn, với mức giá giảm mạnh như vậy (giảm hơn 420 USD/tấn) dẫn đến hệ quả xuất khẩu mặt hàng này bị thiệt hại hơn 90 triệu USD.
Quy ra tiền Việt, tổng mức thiệt hại xuất khẩu mặt hàng điều so cùng kì năm ngoái lên đến hơn 180 tỉ đồng, bình quân mỗi tháng từ đầu 2013 đến nay thua thiệt khoảng 18 tỉ đồng.
Nguyên liệu điều chế biến xuất khẩu được khai thác từ 2 nguồn, thu mua trong nước và nhập khẩu. Từ đầu 2013 đến nay, bình quân mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu hơn 50 ngàn tấn hạt điều dùng để chế biến xuất khẩu. Riêng nguyên liệu điều có xuất xứ từ trong nước, với mức giá thu mua và xuất khẩu như hiện thời, sau khi chế biến xuất khẩu bị thua lỗ hơn 300 USD/tấn.
Trong tình cảnh bi đát như vậy, ngành hàng này tìm ra “phao cứu hộ” bằng nguyên liệu điều nhập khẩu. Chất lượng không thua kém nhưng nguyên liệu điều nhập khẩu có mức giá rẻ hơn nhiều so với điều nội địa. Từ đầu 2013 đến nay, nếu không dựa vào lợi thế giá rẻ của nguyên liệu điều nhập khẩu, e rằng ngành hàng này sẽ trở nên… vỡ trận.
Mặt hàng tiêu xuất khẩu cùng chung đồ thị đi xuống như điều. So với 2012, hiện thời xuất khẩu tiêu bị giảm giá hơn 200 USD/tấn. Xuất khẩu tiêu vẫn trong chiều hướng ổn định và tăng thấp về khối lượng hàng hóa, dự kiến 2014 đạt tổng sản lượng khoảng 130 ngàn tấn. Giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam biến động theo chiều ngược lại, càng ngày càng tạo ra khoảng cách lớn so với mức giá bình quân của thế giới.
Cách đây 1 năm, giá mặt hàng tiêu đen của Việt Nam đứng dưới mức giá bình quân của thế giới gần 300 USD/tấn, nay khoảng cách đó tăng lên hơn 400 USD/tấn. Tương tự như vậy, cách đây 1 năm, giá mặt hàng tiêu trắng của Việt Nam thấp thua mức giá bình quân thế giới hơn 90 USD/tấn, nay mức thua kém tăng vọt lên đến 450 USD/tấn.
Từ đầu 2013 đến nay, với mặt hàng tiêu trắng, giá xuất khẩu của Việt Nam thấp thua hơn 5 lần so với mức giá bình quân của thế giới. Xuất khẩu tiêu càng tăng mức thua thiệt càng lớn, ngành hàng này đang phải ngậm ngùi chấp nhận nỗi đau ấy.
Đứng đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng điều và tiêu, việc đó rất đáng tự hào, cần phải nỗ lực để duy trì vị thế ấy. Sẽ là trọn vẹn hơn, vững chắc hơn nếu hiệu quả kinh doanh của 2 mặt hàng này tương xứng với thứ bậc số lượng hàng hóa xuất khẩu. Tiếp tục để cho điều, tiêu trên đà… tiêu điều như hiện nay thì chẳng có gì đáng tự hào về ngôi vị đứng đầu thế giới.