Theo Tổng cục Thủy sản, hệ thống quan sát tàu cá được thiết lập cho phép giám sát chặt chẽ hoạt động đánh bắt của các tàu cá, đánh giá tốt hơn sản lượng đánh bắt trên các vùng biển và những giải pháp xử lý nhanh, chính xác các tai nạn, sự cố kỹ thuật đối với các tàu cá hoạt động trên mọi vùng biển. Đây còn là công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ nguồn lợi hải sản, ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác hải sản trái phép, vùng cấm khai thác cho những khu vực nhất định trong thời gian cụ thể. Đồng thời, góp phần đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển, cung cấp kịp thời thông tin thời tiết, bản tin báo bão, áp thấp nhiệt đới… giúp các cơ quan tìm kiếm cứu nạn nhanh chóng xác định vị trí khi tàu cá gặp nạn…
Tuy nhiên, khó khăn khi dự án kết thúc là kinh phí duy trì bền vững hệ thống sau dự án lớn chủ yếu là kinh phí chi trả cho dịch vụ vệ tinh. Trong khi tàu cá Việt Nam quy mô nhỏ, do đó rất khó khăn để chủ tàu chi trả phí dịch vụ vệ tinh. Một số chủ tàu không muốn lắp đặt thiết bị giám sát do sợ bị phát hiện hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, vùng cấm khai thác…
Một số đại biểu tham gia cuộc họp đã có đề xuất như đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí duy trì dự án trong 2 năm (2016 - 2017) để có thời gian xây dựng cơ chế chính sách và đề xuất việc xã hội hóa sử dụng thiết bị…
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định: Tổng cục Thủy sản cần đề gửi tờ trình đề xuất với Chính phủ các giải pháp duy trì dự án Movimar trong thời gian tới. Đề nghị Chính phủ trích ngân sách trả tiền thuê bao sử dụng dự án này trong 2 năm trong khi chờ dự án được phê duyệt giai đoạn sau đầu tư (Bộ NN&PTNT đang triển khai). Trong thời gian chờ phê duyệt, cần tiếp tục duy trì hoạt động các thuê bao và hệ thống Movimar đã đầu tư, cần thêm 1 năm gia hạn cho các thuê bao này. Đồng thời, đề xuất Chính phủ giao cho các bộ ngành liên quan làm việc với Đại sứ quán và Chính phủ Pháp trong việc hỗ trợ không hoàn lại hoặc hỗ trợ chi phí thuê bao trong một vài năm.