Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 1,24 tỉ USD, tăng 22%.
Với sản lượng trên, Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam về mặt hàng về thủy sản. Tuy nhiên, các cảnh báo được đưa ra cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi rào kỹ thuật mới đang được dựng lên. Dự luật nông trại được đưa ra từ năm 2012 nổi lên chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ. Hiện nay, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đang có phiên họp chung để thống nhất chuyển chương trình giám sát cá da trơn (trong đó có cá tra và cá basa Việt Nam) sang cho Bộ Nông nghiệp Mỹ quản lý.
Nếu thành hiện thực, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ áp dụng tiêu chuẩn tương đồng đối với cá da trơn Việt Nam. Theo đó, các DN xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam sang thị trường Mỹ phải đáp ứng tiêu chuẩn ngang đồng với hàng của DN Mỹ, từ quy trình sản xuất đến hoạt động đóng gói, xuất khẩu…
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, Việt Nam phải mất 5-7 năm để đạt tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra. Trong thời gian này không thể xuất khẩu được dù chỉ 1 kg cá da trơn vào Mỹ.
Trước đây, Mỹ lấy Banglades để so sánh giá với Việt Nam trong việc chống bán phá giá nhưng hiện Mỹ lại đang muốn chuyển sang lấy Indonesia để so sánh giá. Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng đang phối hợp với các luật sư tư vấn và DN xuất khẩu để tác động, đấu tranh về việc so sánh giá cá Việt Nam với cá Indonesia.
Theo Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ NN&PTNT, các dự thảo quy định của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ được thông báo rộng rãi đến các quốc gia thành viên WTO, trong đó có Việt Nam. Thời gian để Việt Nam và các nước khác góp ý sửa đổi những bất hợp lý trong nội dung là trước ngày 27-1-2014.