Thời gian gần đây, những thương vụ lạ như thu mua mỡ lợn, mua nấm độc, mua lá dừa... của thương lái TQ ngày càng gia tăng khiến người dân hết sức khó hiểu nhưng nhiều người vẫn lùng sục sản phẩm để bán...
Động thái thu mua nông sản, nguyên liệu lạ lùng của thương lái, trong đó phần lớn là thương lái Trung Quốc đã diễn ra trong một thời gian dài và vốn không còn lạ với người dân Việt. Mặc dù không hiểu mục đích thu mua để làm gì nhưng "vì có người mua và mua giá cao" nên người dân các địa phương vẫn thu gom sản phẩm bán cho thương lái.
Tháng 7 vừa qua, sau một thời gian tạm lắng, phong trào bắt đỉa bán cho thương lái Trung Quốc rộ lên trở lại và lan nhanh ra các tỉnh miền Bắc. Theo đó, rất nhiều người đổ xô đến các khu đồng ruộng ao ở Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) bắt đỉa để bán cho thương lái với giá 600.000 đồng/kg.
Trước đó là hàng loạt các động thái thu gom thân cây sắn, quả dừa non ở Phú Yên, lá điều khô ở Bình Dương, lùng mua rễ và gốc cây tiêu ở Gia Lai, liên tiếp mua cây hải đường (kể cả hải đường vừa được ươm trồng) với giá cao ngất ngưởng của người dân ở xã Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng)...và mới đây nhất là những thương vụ hết sức khó hiểu:
1. Thương lái Trung Quốc dồn dập mua mỡ lợn
Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, thương lái Trung Quốc lại dồn dập thu mua lợn mỡ từ Việt Nam với giá cao. Theo Bộ NN&PTNT, hiện tượng thương lái Trung Quốc vào nội địa, thậm chí vào tận các tỉnh ở phía Nam có phong trào chăn nuôi mạnh như Đồng Nai, Bình Phước... để thu mua lợn hơi đang lặp lại như năm 2010-2011.
Lợn mà họ săn lùng chủ yếu là loại có tỷ lệ mỡ cao, trọng lượng từ 100kg trở lên. Nhờ vậy, giá lợn hơi đang từ mức 35.000 - 36.000 đồng/kg (đã duy trì một thời gian dài) nay tăng lên tới 39.000 – 39.500 đồng/kg, rồi tiếp tục tăng thêm và hiện đạt 40.000 – 41.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều người dự báo với đà thu mua của các thương lái thì giá vẫn còn tiếp tục tăng.
|
Lợn quá lứa đang được thương lái Trung Quốc thu gom mạn |
Không chỉ phía Nam mà ở miền Bắc, người chăn nuôi cũng chứng kiến giá lợn đang tăng từng ngày.
Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, suốt một thời gian dài, từ tháng 3 đến tháng 7/2013, giá lợn hơi đã ở mức thấp, thậm chí dưới giá thành nên người nông dân thua lỗ. Qua sơ kết sản xuất chăn nuôi tại cả ba miền mới đây, hầu hết các địa phương đều phản ánh giá thịt lợn thấp dưới giá thành từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Do đó, việc giá lợn hơi tăng trong thời điểm gần đây phần nào tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi. Mặc dù vậy, điều đáng lo ngại là hiện nay các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã rậm rịch thông báo tăng giá.
2. Ồ ạt gom tôm nguyên liệu
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết khoảng gần một tháng trở lại đây nhiều thương lái Trung Quốc tăng cường thu mua khối lượng lớn tôm tươi từ các tỉnh miền Trung và ĐBSCL rồi ướp đá vận chuyển về Trung Quốc.
|
Ảnh minh họa |
Thống kê sơ bộ mỗi ngày có khoảng 300 tấn tôm tươi nguyên liệu được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc qua các cửa khẩu. Nếu trước đây, các thương lái chỉ thu mua tôm cỡ 80 con/kg trở lên thì nay tôm cỡ nhỏ chỉ 150 con/kg cũng được thu gom để xuất sang Trung Quốc. Những thương lái này không những không quan tâm đến kiểm soát kháng sinh trong tôm nguyên liệu mà còn thực hiện bơm chích tạp chất có mục đích.
Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, tình trạng trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu tôm Việt Nam, gây rối loạn thị trường tôm nguyên liệu... Đặc biệt, việc thu mua này khiến nguy cơ không kiểm soát được về chất lượng, đặc biệt là kháng sinh và tạp chất làm ảnh hưởng tiềm tàng đến hình ảnh tôm Việt Nam...
Sau phản ánh của VASEP, Tổng cục Thủy sản cũng đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương ven biển đề nghị cảnh báo tới cơ sở nuôi tôm khi xuất bán tôm thương phẩm. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi tôm thận trọng với các thương lái khi mời chào với giá cao, không yêu cầu kiểm soát chất lượng và kích cỡ tôm thu hoạch.
3. Lùng mua... nấm độc
Không chỉ thu mua các loại nông sản mà thương lái Trung Quốc còn tận mua đủ các loại nấm của Việt Nam. kể cả nấm độc.
Theo VietNamnet đưa tin: Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa cho biết tại các xã vùng cao thuộc tỉnh Bình Định đang có hiện tượng thu mua nấm hòm. Loại nấm này thường mọc ở rừng đặc dụng ẩm ướt, sau khi phơi cả tai và thân nấm đều có màu đen, mùi hắc và rất độc.
Cục khuyến cáo người dân cảnh giác với các loại nấm độc, đặc biệt là các địa phương miền núi. Tuy nhiên, tại xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định, nấm hòm đang được thu mua rất mạnh với giá 30.000 đồng/kg.
|
Bà Bùi Thị Kim Hoa giới thiệu số lan kim tuyến vừa mua được. |
Ông Nguyễn Xuân Đào, Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn cho biết: Hơn 1 năm nay, thứ gì thương lái Trung Quốc cũng mua nên người dân đổ xô vào rừng tìm hàng để bán. Nếu muốn gặp người dân ở đây thì chỉ có ban đêm vì sáng sớm họ đã mang gùi lên rừng, chiều tối mới về. Hơn 180 hộ dân với 735 nhân khẩu nhưng ban ngày, xã này chỉ có cán bộ xã, người già và con nít.
Người dân vào rừng gặp gì thu nấy nhưng nhiều nhất vẫn là nấm linh chi và lan kim tuyến vì những mặt hàng này có giá cao. Mỗi kg lan kim tuyến được mua tại chỗ với giá 1,25 triệu đồng, còn nấm linh chi tươi cũng có giá 50.000 đồng/kg. "Tất cả đều được đầu nậu thu mua rồi bán lại cho thương lái Trung Quốc. Giá này đã bị đầu nậu bắt chẹt rồi vì tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, lan kim tuyến có giá hơn 2,5 triệu đồng/kg", ông Đào chia sẻ.
4. Tận thu... lá dừa
Theo tờ Người Lao động cho biết: Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, tỉnh Ninh Thuận xuất hiện một số người chuyên lùng sục đến các gia đình trồng dừa để hỏi mua với giá 1.000 đồng/lá.
Sáng 2/9, có khoảng 10 thanh niên sử dụng xe tải đến các nhà vườn ở phường Đài Sơn, TP Phan Rang - Tháp Chàm đặt vấn đề thu mua lá dừa. Những người này chỉ mua tàu lá tươi trên cây, theo phương thức: chặt lấy 1/3 lá tính từ ngọn xuống. Trong một buổi sáng, họ đã gom được gần nửa xe tải với khoảng hơn 300 lá dừa.
Khi được hỏi mua làm gì thì những người này cho biết về bán lại cho người nuôi tôm hùm lồng để kết bè ngoài biển. Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân, lá dừa rất dễ mục khi ngâm nước nên không thể kết bè ngoài biển. Hơn nữa, nếu làm bè thì phải dùng nguyên lá khô chứ không thể chỉ dùng 1/3 lá tươi.
Trong khi đó, nhiều nông dân khẳng định số người này đi thu gom lá dừa để bán cho thương lái Trung Quốc. "Cây dừa nếu không có tàu lá thì không thể quang hợp dẫn đến chết dần mòn hoặc không tạo trái được" - anh Định, một chủ vườn ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết.