Cá nâu (cá dĩa thái) rất bổ dưỡng cho sức khỏe
Cá có kích cỡ vừa phải, mùi vị thơm ngon, rất bổ dưỡng nên được thị trường ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế cao. Đây được coi là một đối tượng triển vọng trong nuôi chuyên canh hoặc kết hợp với các loài khác, nhất là việc khắc phục những ao nuôi tôm bị dịch bệnh.
Mỗi kg cá nâu thương phẩm hiện nay có giá trên 200 ngàn đồng. Lâu nay cá nâu chủ yếu nuôi bằng lồng tại các địa phương vùng đầm phá, ven biển, xen ghép với cua, tôm, cá trong các ao hồ. Chưa ai nghĩ đến việc nuôi chuyên cá nâu trong ao nước lợ.
Nuôi cá nâu mang lại hiệu quả kinh tế cao
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Trưởng phòng Kỹ thuật thủy sản - Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tiềm năng nuôi cá nâu trong ao nước lợ trên địa bàn tỉnh tương đối lớn. Sau quá trình nghiên cứu, đầu năm 2016, trung tâm đã triển khai mô hình thí điểm nuôi chuyên cá nâu trong ao nước lợ tại xã Vinh Hà, huyện Phú Vang với diện tích 2.000m2. Mật độ thả 5-7 con/m2, thức ăn chủ yếu tự chế biến, kết hợp với thức ăn công nghiệp. “Sau 5-6 tháng nuôi, trọng lượng bình quân đạt 300g/con, năng suất đạt 5-6 tấn/ha. Với giá hiện nay từ 150 ngàn đến 250 ngàn đồng/kg, mỗi ha có thể cho doanh thu trên 1 tỷ đồng, lãi khoảng 300-400 triệu đồng”, ông Nguyễn Minh ở xã Vinh Hà ( chủ ao nuôi thí điểm) nhẩm tính.
Tình hình nuôi
Do tính thích nghi rộng muối và ăn tạp nên cá nâu được xem là đối tượng nuôi phù hợp với người dân ở các vùng cửa sông, ven biển, đặc biệt là nuôi ghép trong ao tôm tại vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Cá có thể nuôi đơn (5 - 7 con/m2) hoặc nuôi ghép với các loài khác như cua, cá, đặc biệt là tôm (1 - 2 con/m2), sử dụng thức ăn tự chế và công nghiệp. Sau 5 - 6 tháng nuôi, cá đạt cỡ 300 g/con năng suất ước đạt 5 - 6 tấn/ha (nuôi đơn) và 1 - 2 tấn/ha (nuôi ghép). Với giá bán thương phẩm (200 - 300 g/con) 150.000 - 250.000 đồng/kg có thể mang lại lợi nhuận cho người dân 300 - 400 triệu/ha.
Trước đây, nguồn cung cấp giống cá nâu những năm về trước chủ yếu dựa vào tự nhiên. Nhưng trong 4 năm trở lại đây, cá nâu đã được nghiên cứu và sinh sản nhân tạo tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, Trường Đại học Cần Thơ và một vài cơ sở sản xuất giống cá biển. Do đó nguồn cung tương đối đảm bảo ổn định.
Nhân rộng mô hình
Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc TTKN tỉnh cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc triển khai nhân rộng các mô hình là nguồn giống, cũng như kinh phí xây dựng mô hình trình diễn để chuyển giao, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân. Tại mỗi huyện, thị xã cần triển khai ít nhất 1-2 mô hình, kinh phí vài trăm triệu đồng/mô hình. Thông qua các mô hình trình diễn sẽ tổ chức cho người dân tham quan và hướng dẫn kỹ thuật tại chỗ.
Đầu tư sản xuất nguồn giống tại chỗ cũng là điều mà ông Châu Ngọc Phi quan tâm. Lâu nay, nguồn giống cá nâu chủ yếu đánh bắt, thu gom trong tự nhiên ở các cửa biển Thuận An, Tư Hiền và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Tỉnh và ngành nông nghiệp cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ xây dựng các trung tâm, trại sản xuất giống tại chỗ, đáp ứng nhu cầu nuôi trồng của người dân.
Kinh phí được cấp cho hoạt động khuyến nông lâu nay rất thấp, nên TTKN tỉnh mới chỉ dừng lại việc triển khai mô hình thí điểm tại một số địa phương, không thể nhân rộng. Kinh phí hỗ trợ cho các mô hình cũng chỉ khoảng 50-60%, còn lại người dân phải góp thêm vốn. Lực lượng khuyến nông còn mỏng, chế độ chính sách chưa thoả đáng cũng là hạn chế lớn trong quá trình thí điểm và triển khai nhân rộng các mô hình mới. Kinh phí cho hoạt động khuyến nông cần nâng lên 13-14 tỷ đồng/năm, lực lượng cán bộ khuyến nông các cấp cần khoảng 175 người... Ông Châu Ngọc Phi tự tin: “Chỉ cần có kinh phí, đội ngũ khuyến nông đảm bảo thì việc nhân rộng các mô hình trên địa bàn tỉnh là điều không khó”.
Ngọc Phương
Quảng cáo: cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia giá 5.500đ/kg (đạm:50%) , bột đầu tôm giá 7.500đ/kg (đạm 35%, tro < 25%), cám bắp 5.000đ/kg (tro <5%) , bột cá 50% (đạm 50%, tro <21%) giá 14.000đ, Liên hệ 08.6260 0412