Hôm thứ Hai ngày 8/12, các báo cáo cho biết giá tiêu tiếp tục xu hướng giảm trước áp lực bán, mặc dù trên thị trường giao ngay đã không có bất kỳ lượng hàng nào được chuyển đến và các đường dây cung cấp cũng không có hàng.
Hôm cuối tuần, có khoảng 10 tấn tiêu từ huyện Wayanad của bang Kerala được chuyển đến và đã giao dịch với giá 685 Rupi/kg. Đồng thời, thương nhân trong nước có trụ sở tại Coorg (tên gọi khác của huyện Kodagu, bang Karnataka) đã chào bán hạt tiêu vụ mới giao tháng Ba với giá 535 – 550 Rupi/kg.
Các nguồn tin thị trường cho biết khách mua của thị trường tiêu dùng đã chậm mua lại do có dự đoán một lượng tiêu đáng kể bị cầm giữ trong kho từ năm ngoái sẽ được phát hành. Thông tin này cùng với báo cáo sản lượng của Kodagu sẽ tăng gấp đôi trong năm nay và việc bán hàng giao sau với giá 525 Rupi/kg đã kéo thị trường đi xuống.
Tuy vậy, trên Sàn Hiệp hội Gia vị IPSTA cả ba hợp đồng hoạt động vẫn không thay đổi. Cụ thể, hợp đồng tháng Giêng, tháng Hai và tháng Ba lần lượt ở 65.964 Rupi/tạ, 62.337 Rupi/tạ và 62.237 Rupi/tạ (tương đương 10.644 USD/tấn, 10.058 USD/tấn và 10.042 USD/tấn).
Trong khi giá tiêu giao ngay giảm 300 Rupi xuống ở mức 67.700 Rupi/tạ (tương đương 10.924 USD/tấn) cho loại tiêu xô và mức 70.700 Rupi/tạ (tương đương 11.408 USD/tấn) cho loại đã sơ chế.
Giá tiêu Ấn Độ xuất khẩu ở mức 11.825 USD/tấn (c&f) giao châu Âu và mức 12.125 USD/tấn (c&f) giao tại Mỹ.
* Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp&PTNT Việt Nam, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 11/2014 ước đạt 6 nghìn tấn, với giá trị đạt 54 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 11 tháng đầu năm lên 151 nghìn tấn với giá trị 1,162 tỷ USD, tăng 18,1 % về khối lượng và tăng 35,7 % về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2014 đạt 7.625 USD/tấn, tăng 14,26 % so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ, Singapore, Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Ấn Độ và Hà Lan là 5 thị trường lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2014, chiếm 50 % tổng xuất khẩu hồ tiêu.