Người dân xã Thanh Hưng (Thanh Chương) thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Hữu Thịnh
Mô hình được thực hiện ở ruộng của ông Trần Văn Hải ở xóm Trung Đường, xã Thanh Hưng huyện Thanh Chương. Với 1,5 ha ruộng lúa; sau 4 tháng nuôi ông Hải đã có tôm thu hoạch, loại to 6 con/kg, loại trung bình 10 con/kg. Với giá bán bình quân 220.000 đồng/kg ông thu về 235 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng, chưa kể tiền thu về từ 2 vụ lúa.
"Tôi thấy nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa có hiệu quả nhiều so với nuôi cá vụ 3. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và hướng dẫn cho những ai muốn phát triển nghề nuôi tôm càng xanh" - ông Hải vui mừng chia sẻ".
Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Thanh Chương nghề nuôi trồng thủy hải sản phát triển đáng kể; với nhiều hình thức nuôi trồng khác nhau, song đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống mà hiệu quả lại không cao. Xuất phát từ thực tế trên, Trạm Khuyến nông huyện đã tham mưu, xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tại xã Thanh Hưng.
Sau 4 tháng triển khai thực hiện mô hình đã mang lại giá trị thu nhập cao góp phần hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tính bền vững trong sản xuất.
Ông Trần Đình Bình - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Chương đánh giá, qua quá trình nuôi cho thấy, tôm càng xanh là đối tượng nuôi mới nhưng nó phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương, kỹ thuật nuôi đơn giản, hiệu quả cao.
Thực tế cho thấy, trong quá trình nuôi tôm càng xanh cũng gặp không ít khó khăn nhất là về con giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bởi con giống phải vận chuyển từ các tỉnh Long An, An Giang về bằng đường máy bay nên chi phí rất lớn. Trong lúc đó tỷ lệ sống chỉ đạt từ 40 - 50%.
Thêm vào đó, giá của tôm càng xanh cũng cao nên đối tượng tiêu thụ cũng chỉ dành cho những người có thu nhập cao và các nhà hàng, quán ăn nên đối tượng nuôi trồng cũng phải lựa chọn cụ thể, rõ ràng.
Chính vì thế, trước khi nhân ra diện rộng, huyện đang phối hợp với nhà cung cấp giống và các nhà khoa học thực hiện nghiêm các quy trình.
Việc xây dựng thành công mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ở Thanh Chương đã giúp người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện tiếp cận được với đối tượng nuôi mới, phương thức nuôi mới có hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích; khai thác có hiệu quả các chân ruộng trũng trên địa bàn huyện, tăng tính bền vững trong sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Hữu Thịnh