Ông Phan Văn Minh, trưởng thôn 8, xã Kim Long, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) cho hay, từ năm 2000 có hơn chục hộ chuyển lúa sang trồng su su. Khác vùng su su Tam Đảo, bà con ở đây chỉ trồng lấy quả. Đến nay, cả thôn có 120 hộ trồng 25 ha su su. Ông Minh nhẩm tính, SX 1 mẫu lúa Khang dân 18, đất xấu mỗi năm chỉ trồng 1 vụ, thu khoảng 7 triệu đồng.
Nhưng cũng từng ấy diện tích SX su su cho thu nhập từ 70-100 triệu đồng. Su su cho thu hoạch thường từ tháng 12 tới tháng 3 năm sau. Mỗi vụ, có khoảng 10 thương lái về đây thu mua. Giá cả hàng trăm tấn su su bị điều tiết bởi thương lái. Năm được giá thì ăn, năm rớt giá coi như lỗ. Năm ngoái có tháng su su quả rớt xuống 500 đồng/kg. Mặt ai nấy méo xệch như mất… sổ gạo
Cũng theo ông Minh, năm 2009, một chủ doanh nghiệp miền Nam về làm việc với lãnh đạo thôn, xã ký hợp đồng thu mua toàn bộ su su đưa vào siêu thị. Giá cả phía doanh nghiệp đưa ra khá bùi tai nhưng rồi cũng đổ bể. Bởi lẽ, họ yêu cầu người dân tự thu gom rồi mang tới điểm tập kết để nhập hàng. Nhiều hàng xấu bị trả về. Hình thức thanh toán là ký séc, người dân dứt khoát lắc đầu, bán là phải tiền tươi thóc thật.
Theo nhiều nông dân, trồng su su không nặng nhọc như cấy lúa nhưng lúc nào cũng như nhà có con mọn. Vài năm trở lại đây su su xuất hiện một căn bệnh chẳng khác gì ung thư ở người. Nhìn cây chết mà cứu không nổi. Su su đang xanh mơn mởn bỗng héo ngọn, lan dần xuống thối rễ rồi chết...
Anh Vũ Hồng Khiêm (SN 1977) dẫn tôi đi tham quan một vòng, chỉ những cây bị bệnh “ung thư”, nói: "Đã phun nhiều loại thuốc nhưng vẫn không ăn thua. Bệnh “ác” ở cái, chỉ phát khi cây lên xanh giàn, chuẩn bị cho quả. Nếu phát hiện sớm, phun thuốc, làm sạch gốc rồi bón vôi bột may ra cứu được. Cây nào sống, năng suất cũng chỉ còn 30-40%".
Ông Nguyễn Hữu Quân, Chủ tịch UBND xã Kim Long cho biết, ngành BVTV địa phương đã xuống kiểm tra nhưng chưa có một loại thuốc nào có thể đặc trị. Trước mắt khuyến cáo cho đất nghỉ để cải tạo nhưng bà con tiếc đất, không ai làm. Rất mong nhà khoa học vào cuộc giúp đỡ..
Về vấn đề đầu ra, ông Quân gật gù, hy vọng vụ su su tới sẽ không còn bấp bênh. Sở NN-PTNT đã đầu tư cho xã một khu nhà sơ chế, kho lạnh, diện tích 800 m2. Hy vọng với công trình này, đầu ra sản phẩm nông dân sẽ không còn bấp bênh. Mấu chốt là các cấp, các ngành phải vào cuộc tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về SX hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm...
“Trên địa bàn xã có rất nhiều dự án, đất SX ngày một bị thu hẹp. Chúng tôi rất muốn mở rộng các mô hình chuyển đổi nhưng ngặt nỗi không có đất. Cùng một xã nhưng chất đất mỗi thôn lại khác, không phải nơi nào cũng phù hợp với su su”, ông Nguyễn Hữu Quân chia sẻ....