Bí thư thường trực Bộ Thương mại Thái Lan, bà Chutima Boonyaprapat cho biết để đưa ra quyết định này, chính phủ đã mời đại diện khối doanh nghiệp tư nhân và người trồng lúa cùng tham gia thảo luận, hoạch định kế hoạch tổng thể sản xuất gạo và thị trường tiêu thụ trong niên vụ 2016-2017. Kế hoạch này được chia ra làm các chương trình sáu tháng, 12 tháng và 18 tháng.
Theo bà Chutima Boonyaprapat, ba bên tham gia thảo luận đã nhất trí rằng mức trần sản lượng lúa gạo nên là 25 triệu tấn do chính phủ muốn thu hẹp khu vực canh tác nông nghiệp do tình trạng hạn hán cũng như theo sát diễn biến thị trường.
Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, hiện đang đối mặt với tình trạng hạn hán tồi tệ và cố gắng thúc đẩy kế hoạch giải quyết lượng gạo tồn kho khổng lồ. Lượng nước ở bốn hồ chứa chính ở các tỉnh miền Trung Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1993 do tác động của hiện tượng El Nino. Miền Trung là khu vực chiếm khoảng một nửa sản lượng gạo của Thái Lan trong mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng Tư năm sau ở nước này..
Mặt khác, chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha đang phải xử lý kho gạo tồn 13 triệu tấn để lại từ thời cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Chính phủ của cựu Thủ tướng Yingluck đã chi 25 tỷ USD để thu mua lúa gạo với giá cao nhằm hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, chương trình này bị cho là đã thất bại và gây tiêu tốn nhiều cho ngân sách. Việc lập lại sự cân bằng cho thị trường lúa gạo và cải thiện thu nhập cho nông dân là những vấn đề chủ yếu trong các quan tâm chính sách hiện nay của Thái Lan.
Chính phủ Thái Lan muốn người nông dân chuyển từ trồng lúa trong mùa khô sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn để tăng thu nhập và giảm bớt tình trạng dư thừa sản lượng gạo thông qua chính sách phân vùng cây trồng tự nguyện. Năm 2014, sản lượng gạo của Thái Lan vượt quá nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 50%...