Mô hình tạo sông trong ao để nuôi cá đang là hướng đi mới của nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Ứng Hòa.
Ứng Hòa được coi là cái nôi của nhiều mô hình kinh tế độc đáo, hiệu quả. Tận dụng lợi thế vùng chiêm trũng, người dân nơi đây đã tạo sông trong ao để nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao.
Hiệu quả từ mô hình này là minh chứng cho sức vươn của nông dân miền gian khó với rất nhiều nhọc nhằn, chắt chiu từ chính đồng đất quê hương để làm giàu.
Khi nông dân dám đầu tư công nghệ cao
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn hồ hởi giới thiệu với chúng tôi về mô hình tạo sông trong ao để nuôi cá. "Đây là quy trình công nghệ của Mỹ mới được du nhập vào Việt Nam thời gian gần đây. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có nhiều hộ dân áp dụng thành công mô hình này vào sản xuất. Phương pháp này giải quyết được hạn chế: Giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nguồn nước; nâng cao chất lượng cá thương phẩm; đặc biệt cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên mà không cần chờ xử lý ao nuôi…" - ông Sơn nói.
Trên xứ đồng Mã Bồi của thôn An Thái (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa), nổi bật là mô hình nuôi cá tạo sông trong ao của gia đình chị Nguyễn Thị Sánh. Để xây dựng được mô hình này, gia đình chị Sánh đã tham quan nhiều mô hình khác trong vùng và các tỉnh, như: Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ… để tham khảo cách làm và kinh nghiệm. Sau những chuyến đi đó, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng 2 sông trong ao để nuôi cá. Vừa tiếp chuyện chúng tôi, chị Sánh vừa kiểm tra camera, kiểm soát thiết bị máy móc, bởi theo chị Sánh, chỉ lơ là một chút, các thiết bị bơm nước tuần hoàn hoặc thiết bị hút phân ngừng hoạt động, có thể đàn cá hàng chục tấn sẽ bị chết ngạt trong vài giờ. Thế mới biết, nông dân bây giờ nhạy bén, chỉ cần nhận rõ công nghệ mới cho hiệu quả cao, họ sẵn sàng đầu tư…
Như chị Sánh, anh Đinh Quang Lĩnh (xã Trầm Lộng) - là người đã dành nhiều công sức cho mô hình mới này, chia sẻ: “Khi đã đầu tư công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản thì không thể đầu tư nửa vời, nếu không sẽ cầm chắc thất bại. Bởi, với mô hình tạo sông trong ao này, nếu tiết kiệm chi phí, hay bớt các thiết bị sục, thiết bị hút chất thải đáy ao và hệ thống điện lưới hay máy phát dự phòng không đủ công suất… thì độ rủi ro rất cao. Phù hợp nhất phải có diện tích tối thiểu 1ha cho mô hình này, mỗi 1ha sẽ tạo được 2 sông, sông trong ao phải được đổ bê tông đáy, xây gạch kiên cố với độ dài 25m, rộng 5m, sâu 1,7-2m. Chi phí xây một sông trong ao khoảng 200 triệu đồng, cao hơn 2-3 lần so với ao nuôi truyền thống nhưng thời gian sử dụng ao nuôi có thể lên tới hơn 20 năm”.
Đưa chúng tôi đến các mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao này, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch tự hào chia sẻ: “Giờ ở đồng trũng Ứng Hòa có nhiều nông dân nuôi cá quy mô lớn nhưng không phải vất vả như xưa, bởi dù ở đâu vẫn có thể kiểm tra, giám sát được ao nuôi tại quê nhà nhờ nhiều ứng dụng thông minh như: Camera giám sát, báo động các thông số kỹ thuật của ao nuôi… Khi có dấu hiệu bất thường, tất cả các thông số cần thiết đều được báo qua điện thoại”.
Đúng như lời giới thiệu của ông Hoạch, với mô hình tạo sông trong ao, ứng dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản của Mỹ đang mở ra hướng đi mới cho những nông dân dám nghĩ dám làm, “cả gan” đi ngược lại với tập quán sản xuất truyền thống trước đây…
Còn nhiều trăn trở
Từ hiệu quả của mô hình, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã cùng các địa phương rà soát, đánh giá diện tích ao nuôi thủy sản để tìm cách nhân ra diện rộng. Bước đầu, mô hình này cho hiệu quả cao như: Sử dụng thức ăn giảm, tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh, chu kỳ nuôi ngắn, sản phẩm luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, năng suất cao gấp 2-3 lần so với phương pháp nuôi truyền thống… Theo đánh giá từ thực tế, nuôi trồng thủy sản theo mô hình này hầu như không có hạn chế. Tuy nhiên, vấn đề trăn trở của nông dân vẫn là vốn đầu tư. Phó Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng Lê Quang Cảnh nhận định: “Mô hình tạo sông trong ao có nhiều ưu điểm nhưng trăn trở lớn nhất hiện nay là vốn để thực hiện.
Mặc dù cơ chế chính sách cho đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã có, nhưng thực tế còn nhiều rào cản. Mặt khác, bắt tay vào áp dụng cách làm mới không hề dễ dàng bởi nhiều người còn dè dặt, hoài nghi... Chính quyền địa phương mới dừng ở động viên, khuyến khích các hộ mạnh dạn “đi đầu”. Tuy nhiên, không tránh được băn khoăn về rủi ro, bởi vậy, rất cần những chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư công nghệ cao của thành phố đối với mô hình mới này. Có thể, ngoài chính sách cho các doanh nghiệp lớn, cần quan tâm hơn nữa đến các mô hình có quy mô vừa và nhỏ, nhất là nông hộ”…
Theo như chia sẻ của anh Đinh Quang Lĩnh: “Nuôi cá theo phương pháp hiện đại, ứng dụng quy trình VietGAP với quy mô lớn, sản lượng mỗi héc ta hàng chục tấn cá, nhưng để nhiều người tiêu dùng biết và ủng hộ là điều không dễ dàng; hoặc nếu “được mùa” thì liệu giá có bị hạ thấp, dẫn đến thua lỗ… Với nông dân, thương trường vẫn là lĩnh vực mơ hồ và nhiều thách thức. Nếu như cá của mô hình tạo sông trong ao thơm ngon, an toàn mà phải “chung số phận” như các loại cá nuôi theo phương pháp truyền thống, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, không có sự liên kết trong sản xuất, giá cả lên xuống thất thường… thì rất khó để những vùng trũng thuần nông như Khu Cháy của huyện Ứng Hòa “bứt phá” từ mô hình công nghệ cao. Trong chuỗi lợi nhuận của sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông dân trực tiếp sản xuất dường như luôn ở thế yếu”.
Xây dựng thương hiệu cá công nghệ cao cho vùng trũng huyện Ứng Hòa có lẽ vẫn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. Những người nuôi cá theo mô hình sông trong ao nơi đây đang mong sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cấp, ngành…
Bạch Thanh Hà Nội Mới