Tin Tức Nông Sản

Sẽ hết thừa đường từ năm 2015?

Thứ ba, 14/10/2014 09:01 lượt xem: 674
Theo thông tin tại Hội nghị đầu vụ sản xuất 2014-2015 ngành đường do Tập đoàn Thành Thành Công – TTC (ThanhThanhCong) tổ chức ngày 09/10, dự báo cung cầu của ngành đường thế giới sẽ tiệm cận và điểm cân bằng có thể xuất hiện trong năm 2015, giá đường sẽ tăng vào quý 1/2015.

Điểm cân bằng cung cầu thế giới sẽ xuất hiện trong năm 2015

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch Ủy ban Mía đường Tập đoàn TTC cho biết thế giới vẫn đang đối diện với hiện trạng thừa cung trong sản xuất đường. Trong khi sản lượng đường vụ 2013-2014 của thế giới đạt kỷ lục 181 triệu tấn thì tiêu thụ chỉ ở mức 176 triệu tấn dẫn đến thặng dư gần 5 triệu tấn đường và tồn kho tại nơi tiêu thụ khá cao. Bên cạnh đó, giá đường thô đã sụt giảm 23% tính từ đầu vụ (01/10/2013) đến nay và xuống mức thấp nhất 5 năm gần đây.

 

ĐVT: ngàn tấn, USD
Nguồn: Báo cáo đầu vụ 2014-2015 của TTC

 

Đáng chú ý, các nước sản xuất đường chủ yếu trên thế giới cũng có lượng tồn kho cao. Cụ thể như tại Thái Lan, sản lượng đường đạt kỷ lục 11.2 triệu tấn. Ông Lộc cho biết yếu tố khủng hoảng chính trị làm tiêu thụ nội địa của Thái Lan giảm mạnh và xuất khẩu tăng, do đó tồn kho tăng lên 1.46 triệu tấn so với cùng kỳ là 0.33 triệu. Mặc dù đã có những thay đổi về chính sách nhưng Thái Lan vẫn giữ nguyên chủ trương ủng hộ nông nghiệp, đặc biệt là chính sách “giấu trong tay áo” để hỗ trợ ngành đường. Dự kiến sản lượng vụ 2014-2015 của Thái Lan sẽ thấp hơn vụ 2013-2014 nhưng năng suất vẫn ở mức cao và áp lực từ nguồn đường lậu Thái Lan vẫn không giảm trong vụ 2014-2015.

Còn tại Trung Quốc trước đây đóng vai trò khá lớn cho ngành đường Việt Nam khi tiêu thụ 3-4 tấn/năm qua đường xuất khẩu tiểu ngạch. Tuy nhiên hiện Trung Quốc cũng đang tồn kho 8.5 triệu tấn đường và lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà máy đường đã nợ tiền mía của nông dân. Dự báo sản lượng đường vụ tới tại nước này sụt giảm khoảng 5% còn khoảng 12 triệu tấn, cộng với mức tồn kho kỷ lục, thị trường Trung Quốc vẫn thừa cung. Bên cạnh đó, do yếu tố chính trị nên đường xuất khẩu biên mậu của Việt Nam với Trung Quốc sẽ hẹp lại.

Dự báo sản lượng đường thế giới vụ 2014-2015 theo ISO sẽ sản xuất 183.8 triệu tấn và tiêu thụ 182.5 triệu tấn với thặng dư 1.3 triệu tấn đường.

 

ĐVT: triệu tấn
Nguồn: Báo cáo đầu vụ 2014-2015 của TTC

 

Điều đáng lưu ý là theo dự báo này, thặng dự đường thế giới sẽ giảm dần từ vụ 2014–2016 và tiến tới kết thúc giai đoạn dư cung của ngành. Giá bán cũng sẽ sớm xác định đáy và dự báo sẽ bắt đầu tăng vào quý 1/2015, điểm cân bằng cung cầu sẽ xuất hiện trong năm 2015.

Cũng theo dự báo trên, dữ liệu theo dõi 16 vụ sản xuất gần đây cho thấy tính chu kỳ của thị trường. Sau 3 năm liên tục thừa cung, thị trường đường thế giới đang tiến gần đến điểm cân bằng và đột biến giá có thể xuất hiện vào giai đoạn thâm hụt. Tuy nhiên, trước mắt tình trạng tồn kho cao vẫn đang tạo áp lực lên thị trường đường thế giới.

Nhu cầu đường RE sẽ tăng 7% trong khi RS chỉ tăng 1%

Theo thông tin tại hội nghị, sản lượng đường sản xuất và tiêu thụ trong nước lần lượt đạt 1.6 triệu và 1.4 triệu tấn. Trong khi đó, giá đường giảm mạnh 19% từ đầu vụ đến nay và đã hồi phục nhẹ từ tháng 4 nhờ giải pháp đối phó bằng xuất khẩu tiểu ngạch, kiểm soát đường lậu, dự thảo nghị định mía đường từ Chính phủ.

Tuy nhiên ngành đường vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tình hình căng thẳng biển Đông đã cản trở xuất khẩu tiểu ngạch với Trung Quốc, đường lậu Thái Lan vẫn tràn về kéo giá đường xuống dốc và chạm đáy trong tháng 8, ông Lộc chia sẻ thêm. Ngoài ra, ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn TTC còn cho biết, trước đây Lào và Campuchia chưa quan tâm đến mía đường đến vụ tới Việt Nam cũng chịu áp lực từ việc xuất khẩu đường của các nước này nên buộc phải đưa vào dự báo.

 

ĐVT: ngàn đồng/kg
Nguồn: Báo cáo đầu vụ 2014-2015 của TTC

 

Ước tính trong vụ tới do diện tích mía sụt giảm, diễn biến sâu bệnh phức tạp và thời tiết khô hạn tại miền Trung nên tổng diện tích mía đường cả nước giảm hơn 5,300 ha so với vụ trước xuống hơn 261,500 ha, lượng mía ép giảm gần 680 ngàn tấn và ước đạt 15.37 triệu tấn.

Về sản xuất đường Việt Nam, dự báo vụ 2014-2015 giảm 4% so với vụ trước xuống mức 1.53 triệu tấn, trong đó đường RE 0.51 triệu tấn và đường RS 1.02 triệu tấn. Trong khi đó, dự kiến lượng tiêu thụ vụ tới tăng 3% lên 1.5 triệu tấn, gần cân bằng với mức sản xuất và xuất khẩu 0.3 triệu tấn.

Cụ thể, đường tinh luyện (RE) dự báo nhu cầu tiêu thụ tăng 7% lên 642,000 tấn do ngành sản xuất nước giải khát tăng trưởng mạnh 10-15%/năm, các nhà sản xuất bánh kẹo lớn như Orion, Cà phê Biên Hòa, RedBull, CocaCola, Nestle, Bibica… đều nâng công suất. Với đường trắng (RS), dự báo tiêu thụ khó khăn với mức tăng 1% lên 858,000 tấn. Do các nhà máy đường miền Trung đồng loạt nâng công suất như Quảng Ngãi (An Khê từ 10,000 lên 18,000TMN), Đường Ninh Hòa (NHS) (từ 5,200 lên 6,000TMN), Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), Mía đường Phan Rang (PRS)… nên sản lượng đường RS gia tăng đáng kể. Ngoài ra, đường bao RS còn bị cạnh tranh bởi đường bao Thái Lan nhập lậu và tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc không thuận lợi.

Tuy nhiên do tồn kho từ vụ trước khá cao, cùng với lượng nhập khẩu theo hạn ngạch ước khoảng 77,000 tấn và nhập lậu 300,000 tấn, dự kiến tồn kho cuối vụ tới gần 440,000 tấn đường.

Sản lượng mía ép nhiều công ty thành viên của TTC sẽ tăng

Trong vụ tới, ông Lộc cho biết ngành mía đường sẽ còn phải đối mặt với các thách thức diện tích lẫn sản lượng vùng mía đầu tư sụt giảm và năng suất mía giảm do thời tiết, sâu bệnh trong khi công suất chế biến tăng, giá thị trường giảm thấp, mở rộng hội nhập ra thế giới… Ông Thành cũng nhấn mạnh xem các khó khăn chung của ngành mía đường đồng thời là thách thức và cũng là cơ hội cho TTC để khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế và cũng là trách nhiệm đối với ngành mía đường trong nước.

 

 

Theo nhận định của ông Lộc, các dự báo đều cho thấy thị trường sẽ dần đi đến cân bằng và chuyển sang thiếu hụt từ vụ 2015/16, khi đó, giá đường sẽ phục hồi. Do đó, vùng nguyên liệu ổn định là tiền đề cho lợi nhuận cao trong tương lai.

Bên cạnh đó, ông Phạm Hồng Dương - Thành viên HĐQT CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh – TTCS (HOSE: SBT), Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mía đường của Tập đoàn cũng chia sẻ thêm về các giải pháp trong vụ tới của TTC bao gồm ổn định vùng nguyên liệu trong vụ này để tăng lợi nhuận cho vụ sau, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, đa dạng hóa, đảm bảo chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa công tác quản lý chất lượng và gia tăng thị phần bằng cách nâng cao chất lượng đường RS để thâm nhập vào kênh công nghiệp, xây dựng mạng lưới phân phối để mở rộng thị phần bán lẻ đến người tiêu dùng.

Trước những nhận định trên, Tập đoàn ước thực hiện vụ 2014-2015 với diện tích đầu tư 42,931 ha, giảm 7% so với vụ trước và sản lượng ép mía tăng 7% lên mức 3.1 triệu tấn. Trong đó sản lượng mía ép của SEC tăng mạnh nhất 45% lên 681,000 tấn, PRS tăng 4% lên gần 200,000 tấn. Còn SBT giảm sản lượng mía ép 3% xuống 895,000 tấn.

TTC đặt kế hoạch tổng công suất ép mía của các thành viên trong Tập đoàn là 25,300 TMN với chữ đường (CCS) bình quân 9.6. Về điện thương phẩm, TTC dự kiến sản xuất 53 kWh/TM, trong đó SEC sản xuất 60 kWh/TM, NHS 54 kWh/TM và SBT 45 kWh/TM.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện