Sản phẩm hải sản xuất khẩu vẫn đảm bảo chất lượng ổn định
Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), ngày 24/5/2016, Cơ quan thẩm quyền EU đã có văn bản cảnh báo số 16-814 tới các nước thành viên EU về việc cá chết bất thường tại Việt Nam và đề nghị các nước kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam.
Cảnh báo này của EU có trích dẫn nguồn thông tin tham khảohttps://en.wikipedia.org/wiki/2016_Vietnam_fish_kill. Theo đó, nguồn thông tin này tổng hợp các thông tin về hiện tượng cá chết hàng loạt tại ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) và cũng khẳng định chưa xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, những thông tin này cũng đã gây lo ngại cho các nhà nhập khẩu thủy sản tại EU về chất lượng hải sản xuất khẩu.
Thực tế, các ngư trường khai thác chính nguyên liệu hải sản phục vụ cho xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào Nam Trung Bộ (Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận…) và các tỉnh Nam Bộ (Kiên Giang, Cà Mau…), được khai thác bằng các tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Nguồn nguyên liệu của các địa phương này cung cấp hầu hết nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu các mặt hàng hải sản chính như cá ngừ, cua ghẹ, surimi cá khô và cá biển khác… Và nhiều doanh nghiệp cũng đang chế biến xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác.
Hơn nữa trong thời gian qua Bộ NN và PTNT đã chỉ đạo khảo sát, lấy mẫu và khẳng định các khu vực khai thác xa bờ (vùng biển xa bờ ngoài 20-30 hải lý) thuộc 4 tỉnh có hiện tượng cá chết đều an toàn.
Bộ NN & PTNT đã có công văn 3441/BNN-TCTS ngày 2/5/2016, chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai các biện pháp để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Các cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm tại địa phương (Chi cục an toàn thực phẩm, Chi cục quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) tăng cường giám sát hoạt động khai thác, tổ chức lấy mẫu sản phẩm hải sản cập cảng để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế.
NAFIQAD cũng đã gửi công văn 894/QLCL-CL1 ngày 11/5/2016, yêu cầu các cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản tuyệt đối không thu mua cá chết để chế biến xuất khẩu, chủ động lấy mẫu giám sát tăng cường các chỉ tiêu ô nhiễm (thủy ngân, chì, cadimi, arsen) trong các lô hải sản nguyên liệu. Cho đến nay, cùng với sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ của NAFIQAD, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đã và đang nghiêm túc thực hiện việc kiểm soát các chỉ tiêu trên cũng như tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu ổn định.
Do vậy, vụ việc cá chết bất thường tại ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) không gây ảnh hưởng đến nguồn cung và mức độ an toàn cho nguyên liệu hải sản xuất khẩu... và có thể khẳng định chất lượng các mặt hàng hải sản xuất khẩu không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết ở ven biển 4 tỉnh miền Trung trong thời gian qua.
Trong nhiều năm qua xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc với mức tăng trưởng bình quân 15,6%/năm. Quá trình tăng trưởng này đã đưa Việt Nam trở nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, chiếm trên 5% thị phần và giữ vai trò chủ đạo cung cấp nguồn thủy sản toàn cầu. Bắt đầu từ năm 2000, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có sự tăng trưởng đột phá, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng gấp hơn 4 lần từ mức gần 1,5 tỷ USD năm 2000 lên 6,57 tỷ USD năm 2015.
Năm 2015, sản phẩm thủy sản được xuất khẩu sang 164 nước và vùng lãnh thổ với sự tham gia của trên 600 doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó, top 100 DN lớn nhất chiếm 72% doanh số xuất khẩu. Số nhà máy đạt chuẩn được công nhận đủ điều kiện và công suất cấp đông của các cơ sở chế biến tăng nhanh trong giai đoạn 2001- 2015.
Yếu tố chất lượng và an toàn thực phẩm luôn được các cơ quan quản lý ngành thủy sản và các doanh nghiệp xuất khẩu ưu tiên để giữ vững các thị trường truyền thống và phát triển sang các thị trường mới. Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 3 thị trường chính là EU chiếm 18%, Mỹ 20% và Nhật Bản 16% và đang có những thị trường tiềm năng như Trung Quốc (9,4%) và ASEAN (7,6%).
Cùng với lợi thế về nguồn nguyên liệu khai thác, nguồn nguyên liệu nhập khẩu, công suất sản xuất, năng lực và công nghệ chế biến tốt, sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam đóng góp trên 30% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2015, xuất khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam (cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá khô, cá biển khác…) đạt trên 2 tỷ USD, chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Xuất khẩu thủy sản của cả nước 4 tháng đầu năm 2016 đạt trên 2 tỷ USD, tăng gần 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thì các mặt hàng kể trên đã đạt 646 triệu USD.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu chế biến và xuất khẩu hải sản khá thuận lợi vì sản lượng khai thác tăng. Thời tiết biển thuận lợi, Nghị định 67 của Chính phủ về hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu cá tiếp tục phát huy hiệu quả, số tàu công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ tăng lên, tạo động lực cho bà con ngư dân tích cực bám biển ra khơi.
Sản lượng khai thác thuỷ sản 5 tháng đầu năm 2016 ước tính đạt 1.298 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khai thác biển ước đạt 1.235 nghìn tấn, tăng 2,9% so với tháng 5/2015. Tại 3 tỉnh đánh bắt cá ngừ đại dương, 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 9.333 tấn cá ngừ. Trong đó Bình Định đạt 4.720 tấn tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước; Khánh Hòa đạt 1.974 tấn tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; Phú Yên đạt 2.911 tấn giảm 6,1% so cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng đóng vai trò quan trọng cho các doanh nghiệp chế biến hải sản. Năm 2015, trong tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản trên 2 tỷ USD có sự đóng góp của nguồn nguyên liệu nhập khẩu với giá trị 634 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu cá ngừ đạt 215 triệu USD, các loại cá biển khác 351 triệu USD, mực bạch tuộc 34 triệu USD, cua ghẹ 22 triệu USD, còn lại là các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ 11 triệu USD.
Quý I/2016, nhập khẩu hải sản nguyên liệu của Việt Nam đạt 139 triệu USD, chiếm 60% giá trị nhập khẩu thủy sản. Trong đó, cá ngừ đạt 36 triệu USD, các loại cá biển đạt 85 triệu USD, nhập khẩu mực, bạch tuộc đạt 8,7 triệu USD, cua ghẹ đạt 5,5 triệu USD và nhuyễn thể hai mảnh vỏ gần 3 triệu USD. Năm nay, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu hải sản từ 65 nước trên thế giới, trong đó nhập khẩu nhiều nhất từ Đài Loan, Ấn Độ, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Chile…
Năm 2016, xuất khẩu các mặt hàng hải sản đều được dự báo sẽ tăng so với năm ngoái, nhờ nguồn cung ổn định, nhu cầu hồi phục trên các thị trường chính. Trong đó dự báo xuất khẩu cá ngừ sẽ tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 10%, cua ghẹ, surimi, các loại cá biển và cá khô tăng 13%.
Vasep
Quảng cáo: cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia giá 5.500đ/kg (đạm:50%) , bột đầu tôm giá 7.500đ/kg (đạm 35%, tro < 25%), cám bắp 5.000đ/kg (tro <5%) , bột cá 50% (đạm 50%, tro <21%) giá 14.000đ, Liên hệ 08.6260 0412