Tranh thủ thời tiết xấu, anh Võ Văn Hữu ở khu phố 3, thị trấn Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) chủ tàu cá QT96868, công suất 340 CV vào bờ để khâu vá lại lưới chuẩn bị cho những chuyến ra khơi mới. Thời điểm này là chính vụ của nghề bùng nhùng đánh bắt cá thu, cá ngừ lại đúng lúc giá nhiên liệu giảm mạnh nên anh Hữu rất nóng lòng để ra khơi.
Theo tính toán của ngư dân, trung bình với sức vươn khơi của một tàu cá loại 90 CV trở lên tiêu tốn khoảng 100 lít dầu/ngày. So với giá dầu lúc cao điểm đầu năm 23.000 đồng/lít thì hiện một ngày đi biển ngư dân tiết kiệm được gần 600 ngàn đồng, nếu nhân lên thì mỗi chuyến biển xa kéo dài từ 10 - 15 ngày ngư dân có thể tiết kiệm được 6 - 9 triệu đồng từ tiền nhiên liệu. Để có những chuyến đi biển hiệu quả, ngư dân phải chuẩn bị nhiều thứ như: nhiên liệu, đá lạnh, thực phẩm… nhưng chi phí lớn nhất vẫn là nhiên liệu chạy tàu. Tàu cá công suất càng lớn, càng tiêu tốn nhiên liệu nên khi giá dầu liên tục giảm mạnh thì áp lực hao tổn cho mỗi chuyến biển cũng giảm đáng kể.
Theo ông Hồ Văn Lợi, ở thị trấn Cửa Việt (Gio Linh) có tàu công suất 280 CV chuyên làm nghề vây rút chì, tiền dầu chiếm đến 80% chi phí mỗi chuyến biển. Thông thường, tàu của ông Lợi cần đến 1.400 - 1.500 lít dầu/ chuyến biển, so với lúc cao điểm thì mỗi chuyến biển hiện nay giảm được 8 - 9 triệu đồng chi phí. Cũng như mong muốn của nhiều ngư dân, ông Lợi hy vọng giá dầu sẽ ổn định kéo dài trong thời gian tới để ngư dân thuận lợi hơn trong hoạt động nghề nghiệp. Giá dầu giảm đúng thời điểm việc triển khai đóng mới, nâng cấp tàu cá công suất lớn theo gói hỗ trợ ở Nghị định 67 của Chính phủ được ban hành và thực hiện khiến ngư dân càng vững tâm vươn khơi, bám biển làm giàu.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là mặc dù tiết kiệm được đáng kể phí tổn đi biển nhờ giá dầu giảm nhưng mỗi chuyến ra khơi, ngư dân vẫn thấp thỏm lo âu bởi giá dầu giảm thì giá cá cũng giảm theo, thậm chí ở thời điểm này giá cá còn giảm gấp nhiều so lần giá dầu nên lợi nhuận của ngư dân cũng thấp hơn trước. Đang là mùa khai thác của nghề lưới bùng nhùng nên hầu hết các tàu cá xa bờ trên địa bàn thị trấn Cửa Việt đều hoạt động hết công suất.
Theo ngư dân Võ Văn Hữu, hơn 2 tháng qua đây là lần đầu tiên anh về nhà vì các tay lưới hư hỏng nặng. Hai tháng, anh Hữu cùng 7 bạn tàu biển trên tàu QT 96868 thực hiện được 4 chuyến bám biển dài ngày. Chuyến mới đây nhất, tàu anh Hữu đánh được 1 tấn cá thu. So với giá cá thu trước đây 180 - 200 ngàn đồng/kg thì hiện nay chỉ còn 130 ngàn đồng/kg, có nghĩa là với một tấn cá thu vừa đánh bắt được anh Hữu đã mất ít nhất 50 triệu đồng. Như vậy, nếu tính giữa việc tiết kiệm chi phí nhờ giá nhiên liệu giảm mỗi chuyến biển 8 - 9 triệu đồng và giá cá giảm 50 triệu đồng, anh Hữu giảm thu nhập trên 40 triệu đồng từ chuyến biển này.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài lấy cớ giá nguyên liệu giảm thì giá cá giảm theo thì hiện nay hầu hết các tàu cá trên địa bàn tỉnh đều bảo quản sản phẩm sau khai thác bằng đá cây. Đây là cách bảo quản truyền thống khá lạc hậu bởi với thời gian khai thác vùng biển xa từ 14 - 15 ngày/chuyến biển, nhiệt độ lạnh không đảm bảo nên chất lượng cá giảm đáng kể, đó cũng là nguyên nhân khiến ngư dân bị tư thương ép giá khi tàu cập bến.
Hiện Quảng Trị có 2.279 tàu cá, trong đó có trên 180 tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90 CV trở lên. Tàu công suất nhỏ, công nghệ bảo quản lạc hậu nên tỷ lệ tổn thất sau khai thác lớn. Sản lượng khai thác biển hàng năm của tỉnh đều có tăng nhưng tỷ lệ cá đạt chất lượng để xuất khẩu lại không cao, trong khi đó trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp chế biến hải sản mà sản phẩm chủ yếu được tư thương thu mua, tiêu thụ tự do nên ngư dân không có quyền quyết định giá trị sản phẩm.
Có thể nói, giá dầu giảm chỉ giúp ngư dân bớt được phần nào khó khăn trong mỗi chuyến biển chứ không nâng cao được hiệu quả nghề hoạt động đánh bắt, khai thác biển. Vấn đề chính là cần phải thay đổi công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng thời liên kết với các doanh nghiệp để tạo đầu ra bền vững. Để có được điều này ngư dân không thể tự mình làm được mà cần có thêm sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, ngân hàng...