Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra chất lượng tôm nuôi áp dụng công nghệ semi biofloc.
Với mục tiêu đưa nghề nuôi tôm tỉnh Quảng Ninh theo hướng chủ lực, hình thành vùng nuôi tập trung, phát triển bền vững, từ tháng 4/2017, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ sinh học semi biofloc. Bên cạnh những hiệu quả đã đạt, mô hình này hiện đang gặp một số những vướng mắc cần tháo gỡ.
Kỹ sư Nguyễn Chí Thành, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Nuôi tôm theo công nghệ sinh học semi biofloc là sử dụng các hạt biofloc phức hợp đa dạng của vi khuẩn, tảo, mùn xác hữu cơ, động vật phù du, giun nhỏ. Các hạt biofloc có giá trị dinh dưỡng cao sẽ làm thức ăn cho cả tôm con lẫn tôm trưởng thành. Từ đó, lượng thức ăn sử dụng cho tôm nuôi bằng công nghệ này có thể giảm tới 30%. Bên cạnh đó, việc nuôi tôm theo công nghệ semi biofloc duy trì chất lượng môi trường nước tốt, đảm bảo cho tôm sinh sống, hạn chế dịch bệnh. Nước trong ao nuôi có nhiều chất hữu cơ giầu nito cần được loại bỏ bớt để không gây ô nhiễm môi trường. Do đó, người nuôi bổ sung chất hữu cơ có chứa cacbon tạo điều kiện thuận lợi khác để vi khuẩn dị dưỡng phát triển.
Với tỷ lệ C/N được cân đối, vi khuẩn dị dưỡng sẽ phát triển. Chúng biến các chất hữu cơ có trong nước thành khối vi khuẩn. Khi đạt ở mật độ cao, vi khuẩn dị dưỡng sẽ kết lại với nhau thành hạt biofloc. Các hạt biofloc được duy trì thường xuyên thông qua việc bón định kỳ chế phẩm sinh học, CaCO3, MgCO3 và chất hữu cơ. Ao nuôi được cải tạo trước khi thả giống 20 ngày nhằm thiết lập ổn định hệ sinh thái tự dưỡng và dị dưỡng. Các ao áp dụng công nghệ semi biofloc có diện tích nhỏ, lót bạt HDPE hoặc đổ bê tông dưới đáy, hệ thống sục đảo hoạt động liên tục. Nhờ đó, độ an toàn sinh học cao hơn, khả năng tự làm sạch tốt, giúp người nuôi tôm không cần thay nước, biến chất thải thành nguồn dinh dưỡng thay thế thức ăn cho tôm.
Tới thăm mô hình ao nuôi tôm 0,3ha của hộ ông Nguyễn Văn Hùng (xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) - mô hình đầu tiên trong tỉnh ứng dụng công nghệ sinh học semi biofloc. Ông Hùng cho biết: Trước kia con giống nhập về được thả ngay xuống ao ngoài trời, thì nay ao nuôi được gia đình chú trọng làm sạch...
Để thực hiện công nghệ này, hộ ông Hùng bổ sung mật mía, trùn quế vào ao nuôi nhằm kết hợp với thức ăn thừa của tôm tạo thành thể phù du lơ lửng, kích thích tôm đớp mồi. Nhờ công nghệ này, đã giảm được lượng thức ăn từ hệ số 1,2 xuống 0,8, tức nếu như trước kia cứ 1,2kg thức ăn mới được 1kg tôm thịt, thì hiện nay chỉ cần 0,8kg thức ăn. Nhờ đó, vụ nuôi tôm năm 2017 của hộ ông Hùng đạt giá trị lợi nhuận cao, vì sản lượng lớn, chi phí thức ăn giảm, chất lượng tôm đồng đều, thu được gần 5 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi 60%.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, xã Vạn Ninh, TP Móng Cái vệ sinh ao nuôi để áp dụng công nghệ semi biofloc.
Đến nay toàn tỉnh đã có gần 30 hộ dân tại Móng Cái, Quảng Yên, Hoành Bồ ứng dụng công nghệ sinh học semi biofloc nuôi tôm với gần 100ha. Tuy nhiên, hiện việc áp dụng công nghệ này đang gặp những vướng mắc. Yếu tố quan trọng ảnh hướng đến biofloc đó là môi trường (độ mặn, pH, nhiệt độ...) trong khi điều kiện thời tiết của Quảng Ninh cũng như các tỉnh, thành phố phía bắc rất phức tạp, nóng, nắng, mưa nhiều đã làm giảm độ mặn, tăng nhiệt độ, thừa ánh sáng sẽ ức chế quá trình hình thành và duy trì ổn định mật độ các hạt biofloc hoặc phát triển quá mạnh, cạnh tranh oxy với vật nuôi. Tại các tỉnh duyên hải bắc bộ, trong đó có Quảng Ninh có thể áp dụng công nghệ hiệu quả trong vụ tôm xuân - hè do điều kiện nhiệt độ, ánh sáng, lượng mưa ổn định hơn các vụ còn lại.
Mặc dù được đánh giá cao về mặt hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường nhưng khi triển khai nhân rộng mô hình còn nhiều khó khăn đó là việc áp dụng công nghệ này đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quản lý môi trường ao nuôi, giám sát chặt chẽ việc phát triển của hạt biofloc (phức tạp hơn các quy trình khác) để tạo dòng sản phẩm an toàn sinh học, bền vững môi trường nhưng giá bán không có sự khác biệt với các quy trình nuôi sử dụng kháng sinh, hóa chất trong sản xuất.
Theo ông Nguyễn Bá Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, áp dụng công nghệ nuôi tôm semi biofloc thích hợp nuôi trong nhà có hệ thống mái che đảm bảo ổn định về độ mặn, pH, có thể điều chỉnh ánh sáng và nhiệt độ của môi trường ao nuôi hoặc kết hợp với hệ thống ao, đầm nuôi cá rô phi liền kề để có thể xả bớt lượng biofloc khi các hạt biofloc phát triển nhanh, mạnh không kiểm soát được làm thức ăn bổ sung cho đối tượng nuôi này...
Cao Quỳnh Báo Quảng Ninh