Tin tức thủy sản

Quảng Nam: Đẩy mạnh hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67

Thứ ba, 20/01/2015 10:28 lượt xem: 460
(Thủy sản Việt Nam) - Ngay từ khi ra đời, Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã được các địa phương tích cực hưởng ứng; nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ vốn cho ngư dân. Tuy nhiên, đến nay, ngư dân cả nước cũng như tại Quảng Nam còn khá băn khoăn về nguồn vốn vay, tài sản thế chấp và đầu ra sản phẩm...

Còn nhiều băn khoăn

Thực hiện Nghị định  67 của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam được phân bổ 92 tàu, trong đó có 53 tàu vỏ gỗ, 30 tàu vỏ thép và 9 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài số lượng tàu được phân bổ, Quảng Nam hiện có tới 150 hộ và nhóm hộ ngư dân đăng ký vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 để đóng mới và cải hoán tàu có công suất lớn. Và mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt danh sách 33 chủ tàu có đủ các điều kiện để đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Thế nhưng, nhiều ngư dân trong tỉnh lại không mấy mặn mà khi quyết định này được triển khai.

Nhóm hộ ông Phan Thu, Đặng Tấn Ba, Đặng Văn Hai và Nguyễn Văn Hùng ở thôn Hà Bình, xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) được chọn làm thí điểm đóng tàu mới bằng vỏ thép với công suất 810 CV tại Quảng Nam, nguồn dự toán kinh phí theo hồ sơ được phê duyệt là hơn 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, những hộ ngư dân này không khỏi băn khoăn lo lắng vì họ vẫn chưa am hiểu thế nào là tàu vỏ thép, kỹ thuật đóng tàu, nguyên lý hoạt động và vận hành. "Nếu bỏ một số tiền quá lớn như vậy mà không hoạt động được, hoặc không biết cách sử dụng để phát huy hết công năng của nó thì rõ ràng không thể nào ra khơi bám biển dài ngày được, chưa nói đến việc có đem lại sản lượng cao hay không?" - ông Phan Thu nói.

Do việc giải ngân vốn ưu đãi theo Nghị định 67 chậm nên một số hộ (nhóm) ngư dân ở Quảng Nam đã không thể ngồi chờ, đã chủ động đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi. Ông Bùi Ngọc Tuấn ở xã Tam Hải (Núi Thành) quyết định bán chiếc tàu cá 300 CV, bỏ thêm vốn cùng với nguồn vốn vay 1,5 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam để đóng mới chiếc tàu gỗ hơn 1.000 CV, trị giá hơn 4,5 tỷ đồng. Với chiếc tàu công suất lớn này ông Tuấn có thể yên tâm bám biển khai thác ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa. Nhóm hộ ông Trần Công Tú và 5 ngư dân khác ở xã Bình Minh (Thăng Bình) đang chuẩn bị hạ thủy chiếc tàu gỗ hơn 450 CV, trị giá 2,5 tỷ đồng, do nhóm góp vốn và vay thêm 1 tỷ từ Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam. Theo ông Tú, khi NĐ 67 được ban hành thì ngư dân rất phấn khởi. Nhưng nghề biển có mùa vụ, không thể chờ nguồn vốn này để đóng mới tàu cá, vì ảnh hưởng đến công việc làm ăn, đó là chưa kể phải trả lãi vốn vay lên đến 100 triệu mỗi năm.

Để khai thác hiệu quả?

Ngoài việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 gặp không ít khó khăn, nhiều ngư dân khi tiếp cận với chủ trương đóng mới tàu vỏ sắt cũng lo lắng là làm thế nào để khai thác đánh bắt thủy sản hiệu quả bằng loại tàu này, có như vậy mới có điều kiện để hoàn vốn cho Nhà nước.

 Ông Võ Hồng Nhân ở xã Bình Minh (huyện Thăng Bình), một trong hai ngư dân của tỉnh đăng ký đóng mới tàu hậu cần nghề cá lần này cho rằng, những tàu cá được đóng theo Nghị định 67 có giá trị lớn, công nghệ đánh bắt hiện đại, thì sản phẩm làm ra cũng sẽ nhiều hơn. Nhưng với cách tiêu thụ sản phẩm như hiện nay, thì ngư dân vẫn là người chịu thiệt thòi. Vì vậy, Nhà nước cần xem xét và nhanh chóng hỗ trợ vốn để những ai có nhu cầu làm dịch vụ hậu cần nghề cá, thực hiện được mục tiêu của mình.

Cùng đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có cơ sở đóng tàu vỏ sắt, muốn đóng mới hoặc sữa chữa, bảo trì phải đến các địa phương khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa. Mặt khác, hệ thống cảng cá không thể đáp ứng nhu cầu neo đậu tàu sắt…

Theo nội dung trong quyết định của UBND tỉnh, để thực hiện Nghị định 67, các chủ tàu phải chịu trách nhiệm lựa chọn và chủ động liên hệ với một chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hoàn chỉnh các hồ sơ vay vốn theo yêu cầu và thống nhất các nội dung ký kết hợp đồng vay vốn; Đồng thời, thực hiện đầy đủ các quy định về đóng mới, cải hoán tàu cá, quản lý, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, và hoàn trả nợ gốc, lãi vay theo đúng kỳ hạn.

Bà Vũ Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Quảng Nam cho biết: "Ba khó khăn cần được tháo gỡ là phần lớn ngư dân đang sở hữu tàu có công suất dưới 400 CV (trong khi, quy định của Nghị định 67 chỉ cho tàu có công suất từ 400 CV trở lên mới được vay); Ngư lưới cụ, thiết bị trên tàu của ngư dân hầu hết đã cũ và nhiều người cùng chung sở hữu một con tàu, song ngân hàng lại thiếu kinh nghiệm trong việc thẩm định giá đối với thiết bị cũ; Ngư dân chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh và kế hoạch trả nợ vốn vay cho ngân hàng".

Trước những khó khăn của ngư dân, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo ngành chức năng khảo sát thực tế, tham mưu giải quyết theo hướng tạo điều kiện hỗ trợ và khuyến khích ngư dân nâng cao năng lực tàu thuyền để đủ điều kiện vươn khơi. 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện