Lăng Kính Doanh Nhân

Quản lý và chăm sóc ao nuôi tôm trong điều kiện thời tiết biến động

Thứ bảy, 26/05/2018 09:00 lượt xem: 1584

 

Quản lý và chăm sóc ao nuôi tôm trong điều kiện thời tiết biến động

Tóm tắt các bước chăm sóc tôm nuôi và kiểm soát dịch bệnh​

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, thời gian tới, ảnh hưởng của thời tiết, nhất là tình trạng nắng nóng gay gắt và xuất hiện những cơn mưa trái mùa sẽ làm cho môi trường ao nuôi biến động xấu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và làm tôm nuôi dễ bộc phát bệnh (do tác nhân gây bệnh cơ hội tấn công) gây thiệt hại cho người dân.

Vì vậy, trong tình hình hiện nay, tùy vào điều kiện cụ thể, người nuôi cần áp dụng đồng bộ một số giải pháp về quản lý, chăm sóc ao nuôi tôm như sau:

a) Quản lý môi trường nước:

Tôm sống thích hợp trong điều kiện môi trường: pH = 7,5 – 8,5; nhiệt độ = 28 – 30 oC; Ôxy ≥ 5ppm; độ mặn = 10 – 25‰; độ kiềm = 80 – 120 ppm; H2S ≤ 0,03 ppm; NH3 ≤ 0,1 ppm; độ trong = 30 – 40 cm,… Vì vậy, hàng ngày nên đo các thông số môi trường, nhất là pH, Ôxy, nhiệt độ, độ kiềm…

Nếu ngoài ngưỡng cho phép cần tìm ra nguyên nhân để xử lý kịp thời. Luôn giữ mức nước nuôi hợp lý (không thấp hơn 1,2 m đối với ao nuôi CN-BCN và 0,5 m đối với ruộng nuôi tôm - lúa, QCCT), tránh ánh sáng chiếu xuống tận đáy và biến động nhiệt độ ngày đêm lớn dễ làm tôm bị “sốc”, là cơ hội để mầm bệnh tấn công gây hại. Khi thay nước cần chú ý đến sự chênh lệch giữa các yếu tố môi trường nước bên trong và ngoài ao nuôi.

Định kỳ 7 – 10 ngày dùng vôi nông nghiệp (CaCO3), Dolomite – CaMg(CO3)2, liều lượng 100 – 300 kg/ha nhằm ổn định chất lượng nước và bổ sung khoáng cho tôm. Sự lắng đọng lâu ngày của phù sa, phân tôm, thức ăn thừa và xác bã sinh vật làm cho đáy ao ô nhiễm, sản sinh khí độc (H2S, NH3) gây hại cho tôm. Vì vậy, cần định kỳ dùng chế phẩm sinh học, Zeolite hay các sản phẩm chứa hoạt chất Yucca nhằm mục đích hỗ trợ phân hủy chất đáy và giải phóng khí độc, tạo môi trường sạch để tôm sinh sống. * Lưu ý bổ sung men vi sinh vào ao nuôi cần ủ với mật đường và sục khí trong vòng 3-6 tiếng trước khi đánh xuống ao.

Quá trình nuôi có thể gặp trường hợp độ trong nước quá thấp hoặc quá cao. Khi độ trong quá cao (>40 cm) chứng tỏ ao thiếu dinh dưỡng, tảo kém phát triển, không có lợi cho tôm. Trường hợp này cần bổ sung dinh dưỡng bằng cách bón phân vô cơ (NPK, DAP, Urê) hoặc các chế phẩm gây màu nước có bán trên thị trường. Khi độ trong quá thấp (<20 cm) phần lớn là do mật độ tảo quá dày, dễ tàn làm dơ nước; pH, Ôxy biến động ngày đêm lớn cũng không tốt cho tôm. Trường hợp này nếu điều kiện cho phép (nguồn nước dự trữ tốt) thì nên thay nước (20 – 30%) hoặc dùng Formol (5-7 ml/m3) hoặc BKC (0,1 – 0,2 ml/m3) để diệt bớt tảo và sau 2 – 3 ngày dùng chế phẩm sinh học liều cao nhằm phân hủy xác tảo cũng như sinh vật khác lắng tụ đáy ao. Độ trong hay màu nước là yếu tố phản ánh khá chính xác chất lượng nước trong ao nuôi. Khi màu nước thích hợp (xanh vỏ đậu, vàng xanh, vàng nâu…) thì thông thường các yếu tố môi trường như: pH, Ôxy, nhiệt độ, độ kiềm, khí độc… cũng dao động trong khoảng thích hợp. Do vậy, có thể hiểu rằng quản lý chất lượng nước chỉ đơn giản là việc duy trì màu nước luôn ổn định. Tuy nhiên, việc này không phải dễ dàng đối với bất kỳ người nuôi nào.

Hình 1. Thường xuyên kiểm tra đánh giá sức khỏe tôm nuôi

b) Quản lý thức ăn

Trong nuôi tôm, việc bổ sung thức ăn nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng phát triển trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, yêu cầu trong việc cho ăn là không để xảy ra tình trạng dư thừa (gây lãng phí và ô nhiễm môi trường) hay thiếu thức ăn (làm tôm chậm lớn). Do vậy, quản lý thức ăn phải được đặc biệt quan tâm hàng đầu.

Thức ăn cho tôm phải đáp ứng về cả số lượng lẫn chất lượng. Lượng thức ăn trong ngày phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như: giai đoạn phát triển (tôm lớn ăn nhiều hơn khi còn nhỏ), tình trạng sức khỏe (tôm đang bệnh hay lột xác ăn ít hơn lúc bình thường), diễn biến thời tiết (lạnh hoặc nóng quá tôm cũng giảm ăn), thời điểm cho ăn (ban đêm ăn nhiều hơn ban ngày) và chất lượng nước (môi trường nước xấu tôm có xu hướng giảm ăn),… Vì vậy, người nuôi cần theo sát diễn biến tình hình trong ao nuôi để xác định lượng thức ăn hợp lý. Bên cạnh đó, thức ăn cho tôm phải đạt chất lượng tốt. Ngoài yêu cầu dinh dưỡng (đặc biệt là hàm lượng đạm), thức ăn phải đảm bảo màu sắc, mùi vị đặc trưng; độ tan, độ kết dính, kích cỡ phù hợp; tỷ lệ bụi thấp… Tuyệt đối không dùng thức ăn bị nấm mốc, ôi thiu, giảm chất lượng cho tôm ăn.

Trong khẩu phần ăn nên thường xuyên bổ sung men tiêu hóa, acid amin thiết yếu (Lysine, Methionine…), vitamine (C, D, A,…), khoáng chất (Ca, P,…), Bêta-Glucan,… để giúp tôm sinh trưởng nhanh và chống chịu tốt đối với sự tác động tiêu cực của môi trường cũng như mầm bệnh.

Ngoài ra, cho ăn và kiểm tra sàng ăn đúng giờ sẽ giúp việc xác định sức ăn của tôm chính xác, nhờ đó công tác quản lý thức ăn sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

c) Quản lý tác nhân gây bệnh  

Tác nhân gây bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong ao nuôi xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung lại có hai nguồn chính, đó là: nguồn nội tại (có sẵn trong ao do cải tạo không kỹ) và nguồn ngoại nhập (mầm bệnh có từ nước lấy vào nuôi, con giống, vật trung gian truyền bệnh, con người, dụng cụ, chim phát tán,…). Như vậy, để quản lý tốt tác nhân gây bệnh cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học xuyên suốt từ khi chuẩn bị ao đến khi thu hoạch. Cụ thể:

- Cải tạo ao nuôi đúng kỹ thuật (sên vét bùn, phơi đáy ao, bón vôi);

- Có rào chắn xung quanh khu nuôi ngăn chặn vật truyền bệnh trung gian xâm nhập;

- Nước lấy vào ao nuôi phải qua giai đoạn lọc, lắng và sát trùng kỹ lưỡng; Hoặc phải có ao lắng để xử lý nước,

- Con giống thả nuôi đạt chất lượng, đảm bảo sạch bệnh;

- Thức ăn, chất mang vào ao không mang mầm bệnh;

- Định kỳ đánh men vi sinh, xi phong nền đáy ao

- Thường xuyên sát trùng dụng cụ nuôi. Hạn chế tối đa người không phận sự (nhất là người lạ, người đi từ nơi có dịch bệnh) ra vào khu nuôi. Thực hiện biện pháp khử trùng đối với người có khả năng tiếp xúc môi trường ao nuôi.

Phù Vĩnh Thái CCTSKG

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện