Xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là vùng đồng bằng ven biển có diện tích tự nhiên khá lớn nhưng 3/4 diện tích là đất cát bạc màu, hàng năm phải đối mặt với hạn hán, đất nghèo sinh dưỡng, cát lấp và cát bay.
Từ trước đến nay, trên diện tích này người dân chủ yếu bỏ trống hoặc trồng một ít khoai lang, sắn... nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không đáng kể. Vì là một xã thuần nông nên sinh kế của người dân vẫn dựa vào các nguồn tài nguyên địa phương nhưng không được sử dụng tốt.
Trong những năm trở lại đây nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của Thường vụ Huyện uỷ, UBND huyện, sự nỗ lực khắc phục mọi khó khăn của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cũng như sự tham gia của nhiều chương trình Dự án, nghiên cứu của các Trung tâm, Trường, nhiều mô hình thí điểm trên đất cát thích ứng biến đổi khí hậu như xây dựng các mô hình rau trái vụ, luân canh cây màu thích hợp trong vụ đông... đã được tiến hành. Bên cạnh đấy, Đảng bộ và nhân dân Hải Ba không ngừng phấn đấu học hỏi, áp dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất để nhằm phủ xanh dần diện tích đất cát này.
Với mong muốn tìm cây trồng thích hợp trên vùng cát nghèo dinh dưỡng cho bà con, năm 2013-2014, Trung tâm biến đổi khí hậu miền Trung đã tiến hành thử nghiệm các loại cây trồng và áp dụng quy trình trồng mới thích ứng biến đổi khí hậu, thời gian trồng rau rút ngắn lại và được che chắn cẩn thận bằng lưới.
Các loại rau thông thường như cải thìa, cải bẹ, bí ngồi, rau gia vị… vẫn trồng được trong khoảng thời gian trái vụ (mùa khô hạn). Đặc biệt cây đậu đũa - một cây trồng đưa vào trồng mới, theo đánh giá của các chuyên gia trường Đại học Nông lâm Huế là cây màu thích hợp với đất cát ven biển Hải Lăng trong mùa khô hạn và đã cho thu nhập cao.
Vụ Đông này, xã Hải Ba đã tiến hành trồng thử nghiệm luân canh các loại cây trồng như nén, kiệu, cải, dưa leo, cà, bầu, bí, mướp đắng... Về Hải Ba trong những ngày này, chúng tôi thấy bà con nơi đây vui mừng đón nhận một vụ màu được mùa.
Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tày, một nông dân tham gia xây dựng mô hình thôn Phương Lang, xã Hải Ba phấn khởi nói: "Ở vùng cát trắng quê tôi, có thể kiếm được hàng chục triệu triệu đồng mỗi năm đâu có dễ. Trước đây vào mùa khô hạn thì đất cát ở vùng này, bà con trong làng ai cũng không biết trồng cây gì cho phù hợp.
Nay nhờ được sự hướng dẫn kỹ thuật sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu của các chuyên gia đến từ Trường Đại học Nông Lâm Huế, chúng tôi đã có những nguồn thu ổn định. Bình quân 1 lao động có thể đảm bảo thu nhập bình quân từ 2,7 - 3 triệu đồng/tháng trên mảnh đất cát cát bạc màu, mà tôi tưởng như không thể".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hóa phó chủ tịch UBND xã cho biết: Từ trước đến nay, trên vùng đất cát bạc màu của xã người dân ở đây chủ yếu trồng các giống cây màu địa phương, năng suất thấp. Trung tâm Biến đổi khí hậu Miền Trung đưa về trồng thử nghiệm cây trồng trái vụ trong mùa hạn cũng như luân canh cây trồng trong vụ Đông.
Qua thời gian tham gia chỉ đạo triển khai, ông nhận thấy kết quả rất khả quan, đã phần nào khai thác tốt tiềm năng của vùng đất cát bạc màu ven biển, tạo được những vùng sản xuất, mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Đây không chỉ là giải pháp nhằm khai thác tốt tiềm năng vùng đất cát mà còn là một trong những hoạt động sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu của các xã vùng cát ven biển Quảng Trị.