Xuống đáy sông, truy cá ngát
Dù vườn nhà và tiệm tạp hóa dư sức cho cuộc sống gia đình, nhưng bởi mải mê cái nghiệp sông hồ nên anh Nguyễn Tấn Đạt (44 tuổi, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam) “ủy quyền” tất tần tật cho vợ con. Anh thường xuyên lênh đênh trên chiếc thuyền xuôi ngược gần như khắp “hang cùng ngách cụt” sông Hàm Luông. Dù rằng nghề bắt cá ngát chưa ai chọn làm nghiệp chính cho “chén cơm” của mình.
Sáng một ngày đầu tháng 11, tôi liên hệ và tìm đến bến ghe ấp An Hòa, xã Bình Khánh Tây, huyện Mỏ Cày Nam - nơi anh Đạt hẹn gặp. Vừa hừng đông, đến nơi thì thấy ngay một người đàn ông trung niên cao ráo, da rám nắng, tóc lấm tấm “muối tiêu”, ăn mặc giản dị. Đó là anh Đạt “hà bá”. Đi cùng anh là chú Sáu Hải, người bạn ghe, một cựu binh già.
Ghe của chúng tôi ra khỏi vàm Cái Quao, hướng xuống vàm Tân Hương (xã Tân Trung). Nước ương còn hơn nửa sông. Anh Đạt nhìn nước mênh mông, nhíu mày, tặc lưỡi: “Nếu nước ròng nhiều, ít sóng sẽ thuận lợi nhất trong việc lặn bắt cá ngát. Nhưng dù điều kiện trên sông có như thế nào cũng ăn thua gì. Vậy mới xứng danh Đạt hà bá chứ!”, anh nhìn tôi cười khà khà.
Cặp ghe vào một bụi lá dừa nước ven sông để anh đốn mấy cây lạt chẻ đôi, đập dẻo từng đoạn một và cuộn tròn vắt vào sợi dây lưng bằng lưới bọc bên trong hơn 5kg đá xanh. Lui ghe ra cách bờ hơn 100m, anh quấn ống ôxy cẩn thận vào người. Sau khi người bạn ghe quăng neo, anh Đạt cắm thêm vào dây lưng một số cây vợt đường kính hơn 2 gang tay người lớn, tùng vợt sâu khoảng 2m. “Đùng” một phát, nước tung trắng xóa, tôi chỉ có thể dõi theo bằng những bọt khí sủi lên ùng ục theo từng bước di chuyển của anh dưới đáy sông. Chú Sáu Hải chỉ tay theo vùng sủi bọt và nói: “Nếu vùng sủi dừng lại một chỗ nghĩa là thằng Đạt đang chinh chiến với con cá trong hang”.
Dưới đáy sông, anh cố lần cho được cái neo vác lên vai để giữ thăng bằng, 2 bàn chân dò dẫm ven các bực đất để tìm hang. Chạm được cái lỗ to, bên ngoài láng bóng, nước phía trong ấm hơn xung quanh bên ngoài - đó chính là hang có cá ngát đang ở. Lập tức, anh dùng vợt cắm úp miệng hang lại, tứ chi rờ khắp xung quanh bán kính với tâm là miệng hang khoảng 1,5m sẽ có thêm ít nhất 2 ngách nữa và cũng sẽ trùm vợt để bẫy chúng. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, anh quay lại miệng hang chính, dùng cây lạt dẻo chọc vào… cá sẽ tung ra bất kỳ ngõ nào. Khi dây lưng động, anh cố tóm được cái vành sắt của vợt và thoăn thoắt phăng theo dây neo lên mạn ghe nhanh như lúc anh “đùng” một cái biến mất. Nếu lôi thôi thì chắc chắn sẽ gặp rắc rối do ngạnh cá luôn chìa ra sẵn sàng đả thương anh khi nó vùng vẫy.
Cái thú tiêu dao miệt sông hồ
Sau hơn 2 giờ phục kích cá ngát, trong khoang ghe lúc này được 5 con cá lớn nhỏ, cộng lại chắc cũng hơn 20kg và triều đã lên đầy sông, chúng tôi nhổ neo về. Ghe cập vào những mảng lục bình trổ bông màu tím đang uể oải dập dìu trên sông, những vạt bần chắn sóng trái tròn như cái dĩa đu đưa trước gió như mời mọc. Chú Sáu Hải cho biết bông lục bình, trái bần dĩa là 2 thứ góp phần quan trọng trong nồi canh chua cá ngát.
Không đợi đến lên bờ, anh Đạt quyết định neo ghe ở một gốc bần lớn cạnh vàm Cái Quao. Móc trong mui ra cái lò xô, chai rượu, ít mắm muối và làm thịt 2 con cá khoảng 4kg nấu canh chua. Tôi có ý từ chối nhưng chú Sáu Hải phân bua: “Về đến nhà làm sao có cái không gian lồng lộng gió, uống rượu và ngắm tàu ghe xuôi ngược”.
Suốt đuôi cá ngát hơn nửa chén thịt, kèm với ghém bông lục bình đã ngả màu tím tái, anh Đạt nhai ngon lành. Rồi từ từ anh nhớ lại quãng thời gian làm “hà bá”. Năm 20 tuổi (1991), biệt hiệu “hà bá” đã đồng hành cùng anh kể từ lúc anh theo nghề lặn dò mặt bằng, khỏa nền dưới đáy, chít các lỗ thông hơi cho việc xây dựng các móng cầu. Niềm tự hào của hơn 20 năm trong nghề, anh Đạt hãnh diện nhắc đến các công trình cầu từ Bắc tới Nam, như: cầu Sông Hàn ở TP. Đà Nẵng, cầu Sông Lam ở TP. Vinh, tỉnh Nghệ An đến các cây cầu Hóa An trên sông Đồng Nai, cầu Mỹ Thuận trên sông Hậu Giang… Nhưng lúc lặn thi công cầu Tân An ở tỉnh Long An, anh tưởng như mình đã tử nghiệp bởi tai nạn đất lở đè đến 8 giờ đồng hồ dưới đáy sông. Được cứu sống, tưởng như cái nghiệp sông hồ sẽ vĩnh viễn rời xa anh. Nhưng về quê không lâu, năm 2007, cái niềm vấn vương sông nước lại cuốn anh đi. Và việc lặn tìm ve chai dưới đáy sông và dò hang bắt cá ngát trên sông Hàm Luông đã gắn bó với anh từ dạo đó.
“Nghề chơi cũng lắm công phu”. Trong lúc anh lặn, người bạn ghe phải quan sát để đảm bảo an toàn cho anh. Nhưng theo anh Đạt, điều đáng ngại nhất là có những người không tường việc bắt cá nhưng cũng theo nghề, chẳng những phá hoại hang mà còn mang họa sát thân. “Gặp hang mình phải làm nhẹ nhàng, không nên phá hủy hang, phải cố gìn giữ để tuần sau dò lại sẽ có con khác đến ở. Người không biết bắt thì phá hủy hang và nhiều khi bị cá tung đến ngất xỉu hay bị cá đâm đau chí tử. Nhiều người không rành về kỹ thuật nên trong lúc lặn bị áp suất nước đè gục dưới đáy sông… cứu được cũng thành người thực vật!”, anh Đạt tâm tình.