Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, dự và chỉ đạo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nói: Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân luôn nhận được sự quan tâm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh tái cơ cấu mạnh mẽ nền nông nghiệp để chuyển dịch lên nền sản xuất hiện đại, an toàn - bền vững - hiệu quả, thì việc xây dựng và phát huy các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn. Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, thì sự liên kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau hay giữa các tổ chức kinh tế với cơ sở sản xuất, hộ nông dân để phát huy thế mạnh của mỗi bên nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh, thương hiệu, uy tín thị trường là một xu thế tất yếu. Chúng ta đang có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp nước nhà, nhưng đồng thời, cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và nền nông nghiệp rất dễ bị tổn thương. Đã đến lúc chúng ta không thể né tránh thách thức mà buộc phải thích ứng, đối mặt, để tồn tại. Phát triển nền nông nghiệp bền vững hơn thì cách tốt nhất là thực hiện có hiệu quả chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá: Những năm gần đây sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp ngày càng phát triển. Tuy vậy, theo những đánh giá mới nhất cho thấy, gần đây nền nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn như tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, chất lượng nông sản thấp ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhiều cơ chế, chính sách trước đây mang lại thành công nhưng nay trở thành rào cản cho sự phát triển. Lực lượng sản xuất (số lượng các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, khoa học công nghệ…) liên tục phát triển nhưng các quan hệ sản xuất trong nông nghiệp lại chưa có sự đổi mới tương thích. Tình trạng sản xuất manh mún chưa được khắc phục, các mối liên kết dọc và ngang phát triển còn gặp nhiều khó khăn. Những mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn chậm phát triển. Trong khi đó, chuỗi giá trị đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông sản chủ yếu là xuất khẩu, do đó từng người nông dân hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã nhỏ lẻ không thể tự thực hiện..
Vì vậy cần phải thực hiện liên kết giữa các nông hộ - tổ chức của nông dân - các doanh nghiệp thì mới có thể đủ năng lực để đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế làm gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất nông nghiệp… TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: Muốn phát triển được chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững thì việc liên kết với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất là rất quan trọng. Tôi rất mừng trong thời gian qua đã có nhiều mô hình liên kết ngang, liên kết dọc tại một số tỉnh, thành trong cả nước thực hiện tốt là một bước tiến trong chuỗi giá trị gia tăng. Và yếu tố quyết định quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững này là nhà nước. Tuy nhiên, nhà nước thì có mặt mọi nơi nhưng hiệu quả làm thành công chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp bền vững lại ít. Song song đó, doanh nghiệp, HTX phải là con chim đầu đàn trong việc liên kết sản xuất và đi tìm thị trường tiêu thụ. Khiếm khuyến của HTX trong thời gian qua là thiếu hẳn người quản lý có đủ năng lực tổ chức sản xuất và kinh doanh. Doanh nghiệp nhiều nhưng tham gia vào chuỗi liên kết còn ít là do thiếu chính sách đầu tư. Khi thiếu chính sách thì sau một thời gian liên kết DN và nông dân sẽ xảy ra mâu thuẫn dẫn đến vỡ liên kết. Tôi đề nghị nhà nước cần mạnh dạn điều chỉnh lại một số chính sách liên quan đến tích tụ ruộng đất, chính sách cho doanh nghiệp… để thực hiện thành công chuỗi giá trị này.