Cuộc cách mạng Xanh trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) hứa hẹn mang lại nguồn cá rô phi, cá hồi, giá tôm rẻ đã kéo theo nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, nguồn nước, thực phẩm kém vệ sinh. Thập niên 80, hàng loạt cánh rừng ngập mặn bị san phẳng để xây trại nuôi tôm. Ô nhiễm môi trường do NTTS trở thành hiểm họa. Nhiều nông dân châu Á đã lạm dụng thuốc kháng sinh, trừ sâu - những hóa chất bị cấm sử dụng ở Mỹ, EU, Nhật Bản càng dấy lên mối lo ngại về VSATTP. Những trại nuôi cá ở nửa còn lại bán cầu cũng vướng phải những vấn đề tương tự. Ngành công nghiệp nuôi cá hồi phát triển chóng mặt suốt thập kỷ qua khiến số lượng lồng bè chật cứng Đại Tây Dương thuộc địa phận Na Uy tới Patagonia, làm bùng phát dịch bệnh và ô nhiễm nguồn nước, gây thiệt hại hàng tỷ USD ở Chilê, Scotland. Dịch bệnh bùng nổ năm 2011 gần như xóa sổ ngành tôm của Mozabique. Đại dương hay đất liền?
Làm thế nào để NTTS tốt mà không gây ra dịch bệnh và ô nhiễm môi trường? Với Bill Martin - Giám đốc Trung tâm NTTS Blue Ridge, giải pháp đơn giản là nuôi cá trong bể trên đất liền. Tuy nhiên, chi phí vận hành các trại nuôi như mô hình của Martin không hề rẻ. Cần hệ thống xử lý nước đủ dùng cho một thị trấn nhỏ nên Martin sử dụng hệ thống lọc tuần hoàn, tái sử dụng 85% nước trong bể, chất thải của cá được dẫn thẳng ra nhà máy xử lý nước tại địa phương. Mục tiêu sắp tới của Martin là tái sử dụng 99% nước và xây dựng thành công hệ thống điện Carbon thấp bằng cách tận dụng khí mê tan từ nước thải, nhưng mô hình này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Dù Martin tin chắc hệ thống lọc tuần hoàn sẽ là tương lai của ngành NTTS thì tới nay cũng chỉ có một vài công ty nuôi cá hồi, cá cobia, cá trout và tôm ở Mỹ sử dụng mô hình bể trên cạn.
Tuy vậy, mô hình nuôi cá ngoài khơi lại được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Điển hình là mô hình nuôi cá 8 dặm ngoài khơi của Brian O'hanlon, Giám đốc Công ty NTTS Open Blue (Mỹ). Hiện, O'Hanlon đang quản lý trại nuôi cá Cobia lớn nhất thế giới ở ngoài khơi Panama. Các trại nuôi của O'Hanlon không dùng thuốc kháng sinh, nguồn nước xung quanh không bị ô nhiễm do chất thải bị sóng biển làm loãng và được các sinh vật phù du xử lý hết.
Ngày nay, nhiều trang trại nuôi cá đã chuyển sang thức ăn có hàm lượng đậu tương và ngũ cốc cao hơn, giảm lượng bột cá xuống 10%. Rick Barrows, chuyên gia nghiên cứu về thức ăn chăn nuôi tại Bozeman, Montana, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết: "Cá không cần thiết phải ăn bột cá mà cần chất dinh dưỡng. Chúng tôi vẫn nuôi cá hồi vân chủ yếu bằng nguồn đạm thực vật suốt 12 năm qua. Do đó, ngành NTTS hoàn toàn có thể thoát khỏi sự lệ thuộc vào bột cá, nếu chúng ta thực sự muốn vậy".
Việc tìm thức ăn thay thế cho bột cá là vấn đề nan giải, do bột cá còn chứa axit béo Omega-3. Trong môi trường đại dương, chúng được tổng hợp từ tảo biển. Một vài công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã chiết xuất Omega-3 trực tiếp từ tảo biển, thậm chí có cơ sở như Stanford's Rosamond Naylor chiết xuất Omega-3 từ khô dầu hạt cải.
"Tìm ra nguồn thức ăn bền vững quan trọng hơn việc sẽ nuôi cá ở đâu", Stepen Cross, Cố vấn cấp cao về môi trường trong NTTS tại Trường Đại học Victoria tại British Columbia phát biểu. Stephen Cross đang thử biện pháp nuôi mới, ít gây hại tới môi trường, dựa trên mô hình nuôi đa canh cá chép, lợn, vịt, trồng rau của người Trung Quốc cổ đại.
Tại một vịnh hẹp thuộc bờ biển Bristish Columbia, Cross đã sáng chế ra mô hình đa canh theo cách riêng, chỉ nuôi cá than. Trong bè cá than, ông treo các túi chứa đầy sò, hàu, điệp, trai để xử lý chất thải. Bên cạnh các túi này, ông trồng tảo bẹ để lọc nước và chuyển hóa toàn bộ nitrates và phospho còn lại thành mô thực vật. Dưới đáy đại dương, cách lồng cá 80 feet, hải sâm sẽ đóng vai trò như máy hút bụi, xử lý toàn bộ chất thải rắn còn lại. Có thể nói, dù nuôi cá ở đại dương hay đất liền, nguồn thức ăn bền vững, cách thức nuôi tiên tiến, hiệu quả, thân thiện môi trường, không lạm dụng hóa chất… sẽ là xu hướng tất yếu trong phát triển của ngành NTTS toàn thế giới.