Xứng danh “anh cả’
Trong 10 năm qua, ngành tôm nước lợ ĐBSCL đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng năm 2014 đạt 604.954 ha, tăng trưởng bình quân 1,21%/năm so với năm 2005 (541.982 ha); sản lượng đạt khoảng 532.896 tấn. Diện tích nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL tập trung tại 8 tỉnh ven biển gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau với hai đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng (TTCT).
TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP) đánh giá: Nghề nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế ngành thủy sản Việt Nam. Hơn 10 năm qua, ngành có nhiều thuận lợi để phát triển như: Sự liên kết, hỗ trợ của các cấp ngành về mặt quản lý ngày càng chặt chẽ, tạo điều kiện tối đa cho người nuôi phát triển sản xuất. Các văn bản pháp luật, quy hoạch, chương trình, đề án đã có những hiệu quả thiết thực, tạo tiền đề thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành tôm bền vững và hiệu quả. Kinh nghiệm nuôi của các cơ sở sản xuất, trình độ chuyên môn kỹ thuật đã được nâng cao thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền. Các vùng quy hoạch nuôi tôm nước lợ đã được Trung ương và địa phương quan tâm thông qua các hoạt động đầu tư hạ tầng, các vùng phát triển ngày càng chuyên sâu và đi đúng trọng tâm phát triển thủy sản của vùng…
Còn nhiều hạn chế
Bên cạnh những thuận lợi, theo ông Tùng, nghề nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL tuy phát triển nhanh chiều rộng nhưng còn hạn chế chiều sâu. Mặc dù tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế ngành tôm năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng chất lượng tăng trưởng còn nhiều hạn chế ở nhiều mặt.
Cơ sở hạ tầng hệ thống thủy lợi, điện, giao thông… phục vụ cho nuôi tôm nước lợ chưa được đầu tư thích đáng. Hiện hầu hết các vùng nuôi chưa có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, chưa có hệ thống xử lý nước thải; Hệ thống giao thông và điện chưa được đầu tư, chủ yếu tận dụng từ các công trình thủy lợi của ngành nông nghiệp dẫn đến nguồn nước không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường, dễ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Sản xuất và cung ứng giống còn nhiều bất cập, khả năng cung ứng tôm giống sạch bệnh cho người nuôi ở mức thấp. Quản lý môi trường, dịch bệnh trong nuôi tôm còn nhiều hạn chế. Tình trạng tôm chết ở nhiều địa phương trong những năm gần đây có nhiều nguyên nhân như: Thiếu hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường; cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, nhiều nơi mương cấp nước chung với nước thải; chất lượng con giống chưa đảm bảo, không tuân thủ lịch thời vụ... dẫn tới dịch bệnh dễ lây lan. Mặc dù đã có quy trình nuôi VietGAP nhưng thực tế người dân lại không biết mà chỉ biết đến quy trình nuôi của các công ty bán giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… Ngoài ra, việc phát triển ngoài vùng quy hoạch đã phá vỡ những quy hoạch sẵn có của các địa phương, tạo lên nhiều hệ lụy xấu về môi trường sinh thái và các vấn đề an sinh xã hội.
Gấp rút quy hoạch
Báo cáo của VIFEP cho biết, đến năm 2020, tổng nhu cầu tôm nuôi toàn cầu khoảng 6,55 triệu tấn, trong khi đó lượng cung chỉ khoảng 4,49 triệu tấn, như vậy thiếu hụt khoảng 2,06 triệu tấn. Đây là cơ hội cho các nước có điều kiện tự nhiên nuôi tôm phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến cáo, để đáp ứng được các nhu cầu này, nghề nuôi tôm ở Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng cần phải giải quyết được các khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới, đưa ngành tôm tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu, trở thành một ngành kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL và cả nước. Theo đó, việc xây dựng “Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” là cần thiết và cấp bách.
Theo Quy hoạch, diện tích nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 608.501 ha, sản lượng đạt 747.895 tấn. Đến năm 2030, diện tích sẽ đạt 626.727 ha; sản lượng 952.118 tấn.
Đồng thời, trong giai đoạn tới, nuôi tôm ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung sẽ được định hướng đầu tư chiều sâu như: Tập trung cải tiến kỹ thuật nuôi theo hướng bền vững và áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến, thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc áp dụng các quy trình nuôi tốt (Code of Conduct - CoC hay Good Aquaculture Practice - GAP/VietGAP) hay nuôi có trách nhiệm (Responsible Aquaculture Practice - RAP) và quản lý vùng nuôi an toàn sẽ được đẩy mạnh nhằm tạo sản phẩm đáp ứng được với yêu cầu ngày càng cao của thị trường.