Lăng Kính Doanh Nhân

Nuôi tôm nước lợ kỳ vọng vào những tháng cuối năm

Thứ ba, 24/07/2018 09:29 lượt xem: 4242

 

Ninh Thuận: Nuôi tôm nước lợ kỳ vọng vào những tháng cuối năm

Hộ nuôi tôm nước lợ áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh.​

Trong 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất tôm nước lợ của tình Ninh Thuận đối diện với những khó khăn do tôm bị dịch bệnh, thời điểm đầu tháng 5 giá tôm lại giảm sâu khiến người nuôi lãi ít.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, nửa năm 2018, diện tích nuôi tôm thương phẩm trong tỉnh đạt 407,4 ha, tăng 23,3% so với cùng kỳ. Nỗ lực khai thác triệt để diện tích ao đìa để phát triển sản xuất ngành kinh tế chủ lực tạo bức phá về sản lượng. Dù chỉ mới thu hoạch chưa đến 1/3 diện tích thả nuôi nhưng kết quả mang lại đáng mừng, đạt 2.306 tấn, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Tuy vậy, có 71 hộ nuôi thua lỗ do tôm bị dịch bệnh, với tổng diện tích 55,9 ha, tăng 96% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh được xác định là do thời tiết diễn biến thất thường, môi trường mặt nước không đảm bảo vệ sinh như những năm trước. Một khó khăn nữa đối với hộ nuôi tôm là giá sản phẩm giảm sâu, thị trường mặt hàng tôm thương phẩm từ tháng 4 đến tháng 5 loại 100con/kg dao động từ 60 - 65 ngàn đồng/kg, thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá bán gần sát giá thành sản xuất, nên dù sản lượng tăng nhưng lợi nhuận thu được không cao. Theo Sở Công Thương, giá tôm thương phẩm giảm do có sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực, sản lượng tôm tồn kho năm 2017 của doanh nghiệp trong nước và nhập khẩu nước ngoài tương đối lớn, dự báo những tháng cuối năm 2018 tình hình sẽ được cải thiện.

Để giúp hộ nuôi tôm vượt qua khó khăn, một mặt ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, kịp thời phát hiện và triển khai các biện pháp tiêu hủy, xử lý ổ dịch theo đúng quy trình. Đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã sử dụng 1.250 kg hóa chất xử lý kênh mương, 5.223 kg hóa chất để dập dịch ở 139 ao nuôi; tổ chức 3 đợt giám sát dịch bệnh tại các vùng nuôi; đồng thời, thông báo và hướng dẫn các cơ sở sản xuất tập trung cũng như hộ nuôi nhỏ lẻ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đối với những ao mới thả giống được hơn 1 tháng, ngành chức năng khuyến cáo các hộ cẩn trọng khi thời tiết nắng nóng.

Đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, chia sẻ: Kinh nghiệm cho thấy, khi nhiệt độ nước ở ao tăng cao, tôm ăn mạnh và bài tiết nhanh dễ gây ô nhiễm nguồn nước dẫn đến bị bệnh. Bên cạnh đó, nắng nóng cùng độ mặn tăng cao làm các loài thủy sinh chết và phân hủy nhanh tạo nguồn dinh dưỡng cho tảo phát triển mạnh, là nguyên nhân tôm nổi đầu do thiếu ô xy. Trong điều kiện môi trường bất lợi, tôm dễ mắc một số bệnh, nhất là hoại tử gan. Giải pháp che lưới quanh ao muôi, áp dụng kỹ thuật sục khí liên hoàn, dùng máy cho tôm ăn tự động tránh dư thừa thức ăn làm ô nhiễm nguồn nước là biện pháp hữu hiệu giúp vật nuôi khỏe mạnh trong suốt mùa nóng.

Nghề nuôi tôm nước lợ kỳ vọng vào những tháng cuối năm với việc hộ nuôi đang áp dụng các biện pháp nuôi thích ứng với nắng nóng, giá tôm hiện nay có dấu hiệu tăng, tạo niềm tin phấn khởi cho nông dân an tâm đầu tư sản xuất.

Anh Tùng Báo Ninh Thuận

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện