Chủ cơ sở sản xuất nước mắm Ca Nương kiểm tra bể ngâm ủ mắm cá.
Chắt chiu tinh túy từ biển cả...
Hoằng Phụ là một trong những xã ven biển của huyện Hoằng Hóa. Từ lâu người dân nơi đây đã biết sử dụng sản vật từ biển cả để làm nên những giọt nước mắm thơm ngon, đậm đà, là sản phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa cơm của gia đình. Những người cao tuổi kể lại: Nghề làm nước mắm Khúc Phụ ra đời từ cuối thế kỷ XVII do thương gia Cao Văn Điển, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh truyền tới. Sau nhiều lần ra, vào bán nước mắm ở đây, nhận thấy vùng biển này có nguồn cá dồi dào, làm ra nước mắm ngon, ông liền đưa cả gia đình đến Khúc Phụ để hành nghề muối cá, làm nước mắm. Nước mắm Khúc Phụ thơm ngon, nhiều đạm nên nổi tiếng qua nhiều đời, được xuất đi các tỉnh phía Bắc, đôi khi sang tận Hồng Kông, Trung Quốc. Từ những con cá tươi ngon của biển cả để làm nên nước mắm Khúc Phụ, những người làm nghề nơi đây phải trải qua nhiều vất vả, cùng một quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Khâu đầu tiên và cũng là khâu quyết định đến độ ngon của nước mắm là lựa chọn cá. Người dân xã Hoằng Phụ chủ yếu sử dụng cá nục, cá cơm và cá lâm để làm nước mắm, cá được chọn nhất thiết phải là cá tươi. Khâu tiếp theo là ướp cá trộn với muối sạch, thời gian ủ cá ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm sau đó cho vào các bể chứa để tiến hành ngâm ủ, trong thời gian ủ cá phải thường xuyên đảo trộn, phơi nắng và kiểm tra độ mặn. Thời gian ngâm ủ càng lâu thì nước mắm càng thơm ngon, độ đạm càng cao, thông thường sau thời gian từ 12 đến 24 tháng là có thể tiến hành rút nước đầu nỏ (nước mắm cốt), phần cá đã ngấu hay còn gọi là chượp có thể pha chế để nấu nước mắm.
... gây dựng thương hiệu phát triển làng nghề
Những năm gần đây, khi nước mắm Khúc Phụ được nhiều người biết đến và tin dùng, việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn đã làm cuộc sống người làm nghề có nhiều đổi thay, nhiều hộ đã giàu lên từ chính nghề của mình. Hiện nay ở Hoằng Phụ có hơn 850 hộ sản xuất và buôn bán nhỏ lẻ, hàng năm đưa ra thị trường từ 5 đến 6 triệu lít nước mắm, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, hạn chế là các cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm chưa có nhãn mác thương hiệu nên việc tiêu thụ, mở rộng thị trường vẫn còn nhiều hạn chế, tính cạnh tranh không cao. Để nghề sản xuất nước mắm Hoằng Phụ duy trì và phát triển thành một thương hiệu mạnh trên thị trường, huyện Hoằng Hóa đã triển khai nhiều chương trình, đề án và kế hoạch hỗ trợ các cơ sở sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho đặc sản làng nghề chế biến nước mắm Khúc Phụ, được nhân dân hưởng ứng tham gia. Năm 2013, nước mắm Khúc Phụ được UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Khoa học và Công nghệ chọn làm sản phẩm tham gia Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu sản phẩm”. Tháng 4 – 2015, nước mắm Khúc Phụ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đồng ý cấp logo và nhãn hiệu tập thể, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã vạch. Sản phẩm nước mắm Khúc Phụ đã được chọn là một trong những sản phẩm tiêu biểu của huyện Hoằng Hóa tham gia Hội chợ triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 – 2015, nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Người dân nơi đây đã không giấu nổi vui mừng khi sản phẩm họ sản xuất ra đã được công nhận. Bà Nguyễn Thị Nương – chủ cơ sở sản xuất nước mắm Ca Nương cho hay: Kể từ khi nước mắm Khúc Phụ được công nhận, có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng, được cấp mã vạch quản lý chất lượng sản phẩm đã thực sự tạo được niềm tin cho khách hàng. Việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn rất nhiều, thị trường được mở rộng, nhiều đại lý đã chủ động tìm về hợp tác. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì và nâng cao chất lượng để có những sản phẩm nước mắm ngon nhất cung cấp cho người tiêu dùng và để thương hiệu nước mắm Khúc Phụ ngày càng phát triển hơn nữa.
Bài và ảnh: Ngọc Lan, Nguyễn LươngBáo Thanh Hóa,
Chuyên cung cấp: + NLTA cho gia súc-gia cầm: Bã Hèm Bia, Bột Xương Thịt, Cám bắp, Bã nành,DDGS, bã đậu phộng,... + NLTA cho thủy sản: Bột đầu tôm, bột cá 45% - 65% đạm, bột gan mực, bột huyết, bột vỏ cua.... ***LH để có giá tốt : Tell-zalo : 0949 049 229 _ Thảo FB: facebook.com/thaotkp skype: Thao_pea |