Tin Tức Nông Sản

Nước lũ thấp, nông dân sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn

Thứ hai, 09/11/2015 14:23 lượt xem: 1767

Hiện tại, nông dân trong toàn tỉnh Đồng Tháp đang xuống giống vụ lúa đông xuân 2015-2016. Năm nay, nước lũ thấp hơn so với mọi năm nên cỏ dại, lúa chét mọc nhiều là điều kiện để dịch bệnh trú ẩn, đặc biệt là chuột, ốc bươu vàng với mật độ cao gây bất lợi cho việc sản xuất.

Vụ đông xuân 2015-2016, gia đình anh Nguyễn Tấn Hải ngụ ấp 2, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh sản xuất hơn1ha giống lúa butyl 108. “Con nước” năm nay thấp nên ruộng lúa nhà anh bị chuột, ốc bươu vàng tấn công nhiều. Anh Hải lo lắng cho biết: “Những năm trước, vào vụ sản xuất lúa chỉ cần xả nước ra rồi xuống giống, còn năm nay thì phải bơm nước vào mới có thể xuống giống. Ngoài ra, lũ thấp khiến đất đối diện với nhiều nguy cơ do thiếu nước để rửa trôi các hoạt chất độc hại còn tồn dư, gốc rạ và mầm mống sâu bệnh. Vụ lúa đông xuân năm nay gia đình tôi xuống giống theo lịch sớm hơn năm trước khoảng 20 ngày nên thời gian cách li giữa vụ cũng không nhiều”.

 

Ông Trương Văn Tân ở ấp 3, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh tâm sự: “Con nước quyết định rất nhiều vào sự thành bại của một vụ lúa. Nhưng vụ lúa năm nay, chờ hoài mà nước mang theo phù sa không về ngập ruộng, vì vậy gia đình tôi phải bơm nước vào ruộng mới xuống giống. Nếu như các năm trước chỉ cần sạ lần 2 thì lúa đã xanh cả cánh đồng, còn năm nay chắc phải sạ thêm đợt 3 do lúa không phát triển đều. Việc phát triển không đều làm cây lúa ít đẻ nhánh khiến năng suất cũng giảm đi. Mặt khác, mưa đêm xuất hiện cũng là nguy cơ khiến lúa bị bệnh đạo ôn lá, muỗi hành”.

 

Theo nhiều hộ nông dân, sản xuất vụ đông xuân 2015-2016, người dân phải xới đất 2,3 lần trước khi xuống giống do phải hoai mục gốc rạ, lúa chét trên mặt ruộng. Ngoài ra, còn phải tốn thêm nhiều chi phí khác như: xịt thuốc kích mầm, thuốc diệt chuột, ốc, diệt cỏ, muỗi hành, rầy nâu, bọ trĩ... tổng cộng khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/công. Như vậy, với mỗi công lúa, nông dân phải tốn thêm 600.000 đồng. Anh Trần Hoàng Vũ ngụ ấp 3, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh cho rằng: “Nước ít khiến lúa không đủ sức phát triển nên chi phí sản xuất vụ đông xuân năm nay tăng khoảng 30% so với năm trước. Từ thời điểm này đến cuối vụ chắc phải tốn thêm nhiều chi phí khác. Do đó, đến lúc thu hoạch mỗi công phải đạt từ 1 tấn lúa trở lên mới mong có lời”.

 

Theo ông Trần Thanh Tâm - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp: “Đứng trước những khó khăn do nước lũ thấp, người dân phải chú trọng việc sạ theo đúng lịch thời vụ nhằm né lượng rầy di trú, và sạ đồng loạt trên từng cánh đồng. Để hạn chế dịch bệnh gây hại, nông dân cần chăm sóc lúa theo đúng quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 6 giảm”; người dân phải theo dõi thời tiết và thường xuyên thăm đồng để chủ động phòng, chống dịch hại. Đối với các diện tích chưa xuống giống, nông dân nên trục, xới đất kỹ càng nhằm hoai mục rơm, rạ và các dịch bệnh tiềm ẩn trong đất”.

 

Theo ông Khương Lê Bình - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, vào thời điểm tháng10, mực nước các nơi trong tỉnh vẫn chịu ảnh hưởng chính của thủy triều biển Đông và ở mức rất thấp, do hầu như không có lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Mực nước tại khu vực các huyện đầu nguồn (Tân Hồng, Hồng Ngự) đạt mức cao nhất năm vào giữa tháng 10, ở mức dưới báo động I (1m) và thấp hơn trung bình nhiều năm 1,7m. Mực nước khu vực nội đồng Tháp Mười lên chậm đến giữa tháng 10, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,7m. Mực nước khu vực phía Nam lên khá cao theo triều trong tháng 9 - 10 và ở mức báo động I, tuy nhiên vẫn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,2m.

 

Nhật Khánh (Báo Đồng Tháp)

 

Công ty Thiên Khôn phú chúng tôi chuyên cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như:bã hèm bia,bột xương thịt,bã nành,bột cá,cám dừa,cám bắp,bã đậu phộng, bột đầu tôm, bột lông vũ,...

Quý khách nào có nhu cầu sử dụng hoặc cần biết thêm thông tin về sản phẩm vui lòng liên hệ 0946.888.249 gặp Thảo

 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện