Chìa khóa tái cơ cấu nông nghiệp
Công nghệ được coi là chìa khóa tái cơ cấu nông nghiệp, là lời giải cho bài toán về an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản…
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, nông nghiệp nước ta đang đứng trước yêu cầu phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn. Để làm được điều này, chỉ có cách duy nhất là ứng dụng công nghệ cao, nhằm tăng hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.
“Việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ có Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu khoa học, mà rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp và nông dân. Thực tế, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ công nghệ trong ngành, đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho nông dân tiếp cận công nghệ cao. Đặc biệt, đưa doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp sẽ góp phần giải quyết được vấn đề vốn, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp”, ông Tuấn nói.
Dự án trồng hoa ly công nghệ cao tại huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh). Ảnh: N.N |
Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra các chính sách ưu đãi cao nhất, trong đó chú trọng nghiên cứu tạo công nghệ cao trong nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo, sử dụng nhân lực công nghệ cao, hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Ngoài chính sách ưu đãi chung, nhiều địa phương cũng ban hành cơ chế đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính để mời gọi các nhà đầu tư. Đến nay, rất nhiều địa phương đã trở thành điểm đến của doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao như TP.HCM, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh…
Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, quan điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030 là lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá, kêu gọi sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế vào quá trình tái cơ cấu, trong đó doanh nghiệp là nhân tố chính, tạo sức lan toả và liên kết với người dân, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng khẳng định, Bộ luôn coi trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong cuộc cách mạng đó, doanh nghiệp đóng vai trò then chốt. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng hy vọng, thời gian tới sẽ có sự tham gia tích cực hơn của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này.
Đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư
Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là lý do mà nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn hàng đầu như Hoàng Anh Gia Lai, TH true MILK, Vinamilk, Đức Long Gia Lai… bỏ vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài các doanh nghiệp lớn trong nước, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã rậm rịch đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.
Sự xuất hiện của những con sếu đầu đàn này, theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, không phải là “sự lạ”. “Tại Việt Nam, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều lợi thế nhất. Thêm vào đó, thị trường nông nghiệp xuất khẩu nước ta đang đứng trước cơ hội lớn, khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết. Do đó, xu hướng đầu tư vào nông nghiệp sẽ còn tăng trong thời gian tới”, TS. Anh Tuấn nhận định.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng, hiện số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nói riêng vẫn còn nhỏ bé.
Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020, cả nước có 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 10 khu nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, theo ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao, hiện cả nước mới chỉ có 22 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, trong số hàng ngàn doanh nghiệp nông nghiệp. Nguyên nhân là, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về vốn và ưu đãi đầu tư công nghệ, trong khi đây lại là lĩnh vực đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu.
Chính vì vậy, các chuyên gia gợi ý, nên tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp qua hình thức liên kết công - tư, mà cách làm của Quảng Ninh là một ví dụ. Theo mô hình này, Nhà nước thiết lập các quy chuẩn, thực hiện các chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, công khai quy hoạch và chính sách đến doanh nghiệp và người dân. Chính quyền địa phương ở những khu vực ứng dụng công nghệ cao phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình triển khai, tạo quỹ đất sạch, vận động người dân tham gia và ủng hộ doanh nghiệp, lập kênh đối thoại tháo gỡ kịp thời vướng mắc của doanh nghiệp…
Quảng cáo: chuyên cung cấp bột cá 45% đạm dùng làm nguyên liệu thức ăn hoặc nguyên liệu sản xuất phân bón (giá 5.100đ/kg); Liên hệ: 094.82.222.17